Giá cà phê hôm nay không có điều chỉnh mới
Giá cà phê hôm nay (13/11), ghi nhận thị trường cà phê trong nước đi ngang so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 57.600 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 58.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 58.200 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 58.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 58.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 58.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 58.100 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 58.100 đồng/kg.
Hiện nông dân trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên đang bước vào thu hoạch niên vụ 2023 - 2024.
Tính đến ngày 12/11 Giá thu mua cà phê robusta nhân xô dao động ở mức 57.600 – 58.200 đồng/kg, giảm hơn 12% kể từ đầu niên vụ mới đến nay, nhưng vẫn cao hơn khoảng 45% (18.000 đồng/kg) so với cùng kỳ năm 2022.
Đây cũng là mức giá tương đối cao so với thời điểm thu hoạch của nhiều năm trở lại đây, điều này hứa hẹn sẽ có thêm một vụ mùa được giá tiếp theo trong niên vụ 2023-2024. Đặc biệt là trong bối cảnh sản lượng cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm thứ hai liên tiếp.
Theo dự báo của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023-2024 sẽ giảm 10% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Bên cạnh đó, do giá cà phê đang có xu hướng giảm nên một số vùng có hiện tượng hái xanh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê đầu niên vụ.
Về tiến độ thu hoạch, VICOFA cho biết niên vụ cà phê 2023 - 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thu hoạch rộ cuối tháng 11 và tháng 12/2023.
Mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi cây trồng trước đó để trồng sầu riêng, trái cây và nhìn chung do giá cà phê những năm qua xuống quá thấp nên người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê chỉ trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê cả nước hiện vào khoảng 710.000 ha trong đó đang cho thu hoạch: 653.000 ha. Sản lượng hơn 1,8 triệu tấn với năng suất 2,82 tấn/ha.
Ngoài ra, VICOFA cho biết Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 102.100 tấn cà phê từ các nước trên thế giới trong niên vụ 2022-2023 với kim ngạch 299,6 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng và tăng 9,1% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022.
Trong đó, nhập khẩu cà phê nhân trong niên vụ 2022-2023 là 98.600 tấn, kim ngạch 246,3 triệu USD, tăng 19,1% về khối lượng và tăng 23,1% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022.
Còn nhập khẩu cà phê chế biến khoảng 3.500 tấn, kim ngạch 53,2 triệu USD, giảm 45,8% về khối lượng và giảm 28,6% về kim ngạch so với niên vụ trước.
Việt Nam nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nước: Lào, Indonesia, Brazil, Bỉ, Colombia, Đức, Papua New Guinea, Ấn Độ, Peru, Thái Lan, Honduras, Singapore,...
Lượng cà phê này nhằm phục vụ chế biến xuất khẩu. Đồng thời, cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít do khí hậu thổ nhưỡng như loại cà phê arabica.
Tiêu thụ cà phê nội địa cũng có những bước phát triển mạnh trong trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg năm 2015 lên 2,2kg năm 2022.
Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm.
Theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam do iPOS thực hiện), đến hết năm 2022 Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, giai đoạn 2016-2022 với tốc độ tăng hàng năm (CAGR) khoảng 2%, so với 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thị trường đã có thêm: 18.000 nhà hàng/quán cà phê mới.
Giá tiêu hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng/kq
Giá tiêu hôm nay (13/11), tại khu vực Tây Nguyên vẫn duy trì ổn định, trong khi các tỉnh Đông Nam Bộ điều chỉnh tăng nhẹ, hiện dao động trong khoảng 66.000 - 69.500 đồng/kg.
Trong đó, hồ tiêu tại Gia Lai đang được thu mua với mức giá là 66.000 đồng/kg và Đồng Nai có giá tăng 500 đồng/kg lên mức 66.500 đồng/kg.
Cùng lúc, hai tỉnh tại Đắk Lắk và Đắk Nông vẫn duy trì mức giá chung là 67.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ghi nhận tại mức 68.500 đồng/kg và 69.500 đồng/kg, cùng tăng 500 đồng/kg.
Tuần qua, tại thị trường trong nước, giá tiêu tăng chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ với 3 ngày giữa tuần sôi động. Lực tăng mạnh đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu là 1.500 đồng/kg, tiếp đó Bình Phước 1.000 đồng/kg, còn Đồng Nai tăng 500 đồng/kg.
Đầu tuần trước, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) công bố số liệu xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2023. Theo đó, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 223.578 tấn hồ tiêu. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 750,8 triệu USD, tiêu đen đạt 640,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 110,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu tăng 14,6% tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại giảm 11,7%.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng đạt 3.553 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.082 USD/tấn, so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu tiêu đen giảm 17,6% đối với tiêu đen và 15,6% đối với tiêu trắng.
Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) nhận định, sau 3 tuần giảm, thị trường hạt tiêu tuần này có những phản ứng trái chiều. Một số thị trường hồi phục nhẹ.
Theo ghi nhận, nhập khẩu hạt tiêu của Ấn Độ trong tháng 8 cao bất thường, ở mức 3.800 tấn, qua đó giữ giá tiêu đen ổn định trên thị trường nội địa tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. So với giá nội địa là 631 Rupee/kg đối với tiêu chưa phân loại, hạt tiêu nhập khẩu chỉ khoảng 600-625 Rupee/kg.
Dẫn số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, Hàn Quốc nhập khẩu hồ tiêu đạt 3,26 nghìn tấn, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc nhập khẩu hồ tiêu chủ yếu từ Việt Nam, đạt xấp xỉ 2,97 nghìn tấn, giảm 44,6% so với cùng kỳ và chiếm đến 91% thị phần. Tương tự, lượng nhập khẩu tiêu của Hàn Quốc từ Malaysia cũng giảm 22,8%, chỉ đạt 237 tấn. Ngược lại, Hàn Quốc tăng nhập khẩu tiêu từ Campuchia và Ấn Độ, nhưng khối lượng ở mức thấp.