Giá cà phê thất thường đẩy doanh nghiệp, người trồng vào thế khó. |
Giá cà phê tăng cao
Giá cà phê tuần qua nhìn chung tăng mạnh. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 3.600 - 3.800 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 76.000 đồng/kg - tăng 3.800 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum với 76.400 đồng/kg - tăng 3.600 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có giá 76.500 đồng/kg và 76.700 đồng/kg, tăng 3.600 đồng/kg và 3.800 đồng/kg.
Tây Nguyên đang thu hoạch rộ cà phê và Tết Nguyên đán sắp đến gần nên có một số nông dân cần tiền trang trải phải đẩy mạnh bán ra, tuy vậy giá cà phê nhân xô trên thị trường vẫn đứng ở mức cao, so với các vụ thu hoạch trước đây là điều hiếm có.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta thế giới tăng cao đẩy giá cà phê nhân trong nước tăng xấp xỉ 70.000 đồng/kg, so với năm 2001 giá cà phê đã tăng hơn 20 lần và nếu doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký hoặc đầu cơ tích trữ thì giá cà phê nội địa sẽ tiếp tục lên nữa.
Giá cà phê tại sàn London cũng giao dịch trên mức 2.800 USD/tấn và giá bán thực khoảng 3.000 USD/tấn. Như vậy so với năm 2001 giá cà phê xuất khẩu đã tăng 10 lần.
“Có một điều mà chúng tôi thật sự lo lắng, nếu như tháng 6/2023 doanh nghiệp hầu như không còn hàng để mua, trừ hàng tồn kho thì dự báo năm nay có thể vào tháng 5/2024, thậm chí là tháng 4/2024, Việt Nam sẽ không còn hàng để mua. Đây là vấn đề rất mới và rất nguy hiểm nhưng so với niên vụ 2023 - 2024 thì câu chuyện này tất nhiên sẽ phải như vậy, còn thực tế như thế nào vẫn phải chờ đợi diễn biến trên thị trường”, ông Nam nói.
Theo Vicofa, sản lượng cà phê tiếp tục giảm sẽ dẫn đến một vấn đề quan trọng nữa là Việt Nam không còn hàng tồn kho, đặc biệt đến tháng 2/2024, sẽ buộc các doanh nghiệp phải trì hoãn thời gian giao hàng. Thông thường trước đây, hàng tồn kho từ 150.000 đến 200.000 tấn nhưng năm nay thiếu hẳn nguồn hàng này.
Trước đây Vicofa từng đưa ra nhận định, giá sàn London sẽ giảm thậm chí giảm xuống dưới 2.200 USD/tấn, đến nay không những không giảm mà lại tăng cao do hàng trong kho không có nên bắt buộc giá phải tăng và cà phê Conilon của Brazil cũng có giá tương đương giá cà phê Việt Nam nên giá sàn London sẽ khó giảm.
“Nếu giá sàn London tiếp tục tăng thì giá cà phê Robusta Việt Nam sẽ như thế nào, trong khi thị trường châu Âu lại rất cần loại cà phê này, và theo các đại diện châu Âu, khu vực này đang trông cậy vào cà phê Việt Nam và có một số ít nước vào vụ giống như Việt Nam nhưng thực ra lượng hàng đó không đáng kể”, ông Nam đặt vấn đề.
Những diễn biến trên thị trường cà phê đúng như những gì Phó chủ tịch Vicofa chia sẻ về chuyến khảo sát thị trường châu Âu trước đó của Đoàn doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình đàm phán với các doanh nghiệp châu Âu đã cho những người trong đoàn có cảm giác như “cà phê Việt Nam đang một mình một chợ vì cả châu Âu đang trông cậy vào nên các doanh nghiệp EU sẽ đổ xô sang Việt Nam để mua cà phê, vì ngoài Việt Nam ra họ không biết sẽ mua ở đâu, và khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu thì giá cả sẽ biến động không lường làm cho giá cà phê có lợi hơn”.
“Châu Âu hầu như đang trông cậy hoàn toàn vào cà phê của Việt Nam, ít nhất là từ đây đến tháng 4/2024, chúng tôi đã làm việc với nhiều tập đoàn ở châu Âu và được biết họ đang rất lo lắng về vấn đề này. Từ nay đến hết tháng 4/2024 cả thế giới chỉ mua cà phê từ Việt Nam, vì họ không thể mua cà phê ở các nước khác sẽ khiến cho tình hình rất căng thẳng và không đơn giản, khi đó giá cà phê sẽ đi về đâu?
Do lo sợ không mua được hàng nên hầu như không doanh nghiệp Việt Nam nào dám ký hợp đồng bán xa, vì nếu bán xa mà mua không được hàng sẽ lặp lại câu chuyện của năm 2023, như vậy là rất nguy hiểm”, ông Nam nhấn mạnh.
Doanh nghiệp, người trồng vào thế khó
Ông Lương Bá Thái, Giám đốc Công ty CPPT Việt Cafe. |
Với người kinh doanh cà phê, niên vụ 2023 – 2024 đầy thách thức, vì giá mua-bán cà phê biến động khó lường, rủi ro luôn rình rập. Đảm bảo hoạt động kinh doanh vụ này là rất khó. Một số doanh nghiệp nhỏ chỉ dám kinh doanh cầm chừng, còn nông dân lại thấp thỏm vì bán ngay lo giá tiếp tục lên, còn giữ lại thì lo giá sẽ giảm nhiều.
Ông Nguyễn Trọng Ngọc có DN kinh doanh cà phê lâu năm ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm ngoái, thời điểm cận Tết dương lịch, DN của ông đã thu mua gần 600 tấn cà phê nhân, tổng tiền vốn huy động khoảng 24 tỷ đồng. Niên vụ năm 2023 – 2024 này, dù cà phê trong dân rất nhiều, tiền vốn không thiếu, nhưng DN mới chỉ thu mua rất ít.
Theo ông Ngọc, một phần nguyên nhân là người dân có tâm lý găm hàng chờ giá tăng, phần khác là giá cà phê biến động với biên độ lớn, DN cảm nhận được nhiều rủi ro. Cụ thể, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12, cà phê có những mạch tăng giá 7 ngày liên tiếp, nhưng cũng có mạch giảm giá 1 tháng liên tiếp, có ngày giảm đột ngột tới 7 triệu đồng/1 tấn.
Trong tháng 12 vừa qua, giá cà phê cơ bản giữ mức tăng, có lúc lên gần 70 triệu đồng/tấn, nhưng đầu tháng 1 lại trong xu thế giảm và hiện lại đang tăng. Ông Ngọc cho rằng, trong lúc thị trường lên xuống thất thường như hiện nay, ông bằng lòng với trạng thái mua bán cầm chừng.
“Cà phê rất nhạy cảm và rủi ro, có thể giá xuống bất chợt DN sẽ lỗ. Nếu theo giá thị trường giữ DN sẽ lãi một chút không sẽ hòa vốn. Nói chung kinh doanh cà phê theo từng giai đoạn thị trường và theo cảm nhận của mỗi DN, mua trước bán sau nên tuân theo quy luật thị trường”, ông Ngọc chia sẻ.
Theo ông Lương Bá Thái, Giám đốc Công ty CPPT Việt Cafe, hai năm gần đây, vùng trồng cà phê bị thu hẹp, giá thu mua cà phê liên tục thay đổi, tăng cao theo giờ.
“Những năm trước, công ty tôi có thể tính được giá thành sản xuất trong một năm, thì đến năm 2023, giá thành sản xuất tính theo từng đơn hàng. Giá thu mua cao, giá thành sản xuất tăng, giá bán giữ nguyên, doanh nghiệp không có lãi. Trước tình hình trên, doanh nghiệp đang phải chuyển hướng sản xuất những sản phẩm cà phê cao cấp hơn để tăng giá bán”, ông Thái chia sẻ thêm.
Giá cà phê tăng-giảm với biên độ lớn không chỉ thử thách DN. Nhiều nông dân cà phê cũng bị rối trí, không biết nên bán ngay hay tiếp tục chờ sản phẩm tiếp tục lên giá.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắk có 2.900 cây cà phê trồng xen sầu riêng. Mấy năm nay sầu riêng trúng mùa nên gia đình có điều kiện để chờ cà phê lên giá, nhưng chưa khi nào bà bán được cà phê đúng vào thời điểm giá tốt.
“Năm 2021 – 2022 cà phê nhà trồng bán giá 35.000 đồng/kg vì khi đó gia đình cần tiền. Nhưng cũng năm đó có thời điểm giá cà phê lên cao tới 48.000 – 49.000 đồng/kg và cứ nghĩ giá sẽ tăng nữa nhưng lại hạ, nên khi bán rẻ tiếc cũng phải chịu. Còn năm 2022 – 2023 gia đình cũng chờ giá lên đến 69.000 – 70.000 đồng/kg và nghĩ sẽ tăng nữa mới bán, nhưng giá lại hạ xuống 65.000 đồng/kg và do cần tiền lại phải bán. Vụ năm nay gia đình chưa vội chốt, để tính toán lại và chờ giá có lên nữa không. Cần tiền đến đâu sẽ bán tới đó, giá lên thì chờ, giá xuống đành chấp nhận”, bà Nguyệt tính toán.