Toàn cảnh buổi làm việc |
Báo cáo với Đoàn Giám sát về những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Xuân Đông nêu rõ, việc triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là song song với việc lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nên tạo ra khó khăn về tính phù hợp và tính kết nối.
Bên cạnh đó, các quy định về lập hợp phần văn hóa, thể thao và du lịch trong các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh triển khai chưa thống nhất do từng Bộ, ngành đề xuất nội dung hợp phần nên khó khăn cho ngành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp để đảm bảo sự gắn kết với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch.
Phụ lục I, Luật Quy hoạch 2017 quy định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch nằm trong danh mục quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia. Theo đó, tại mục IV, Phụ lục I, Nghị định só 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định danh mục và tỷ lệ các bản đồ quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia.
Do đó, sẽ ảnh hưởng đến khả năng đánh giá sự phân bố toàn diện của các nội dung bản đồ trên quy mô toàn quốc; đồng thời, việc xây dựng bản đồ sử dụng đất là khó khăn do không có dữ liệu thống kê hiện trạng sử dụng đất các khu vực trọng điểm của ngành du lịch và hiện trạng sử dụng đất mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao theo quy định của ngành xây dựng khác với ngành tài nguyên và môi trường.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Xuân Đông báo cáo với Đoàn giám sát tại buổi làm việc |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, các quy hoạch khu du lịch quốc gia theo các tính chất chuyên ngành xây dựng có thể dẫn đến việc tập trung cao cho công tác hoạch định xây dựng, khó có thể kiểm soát được việc định hướng, đầu tư, khai thác, phát triển du lịch theo đúng định hướng chiến lược phát triển du lịch; Khái niệm di sản đô thị và đô thị di sản còn mới, chưa được làm rõ trong hệ thống Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng;...
Cho ý kiến tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, do chậm ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch dẫn đến việc triển khai chậm và lúng túng tại các bộ. Đa số các bộ gặp khó khăn trong công tác lập quy hoạch, việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, nguồn vốn cho công tác quy hoạch, quản lý, thanh quyết toán kinh phí lập quy hoạch;…
Một số ý kiến đại biểu đề nghị các bộ làm rõ công tác phối hợp trong việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch, vướng mắc về tỷ lệ bản đồ, công tác phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin trong quá trình lập quy hoạch, khớp nối các quy hoạch.... Đồng thời, báo cáo của các bộ cũng cần chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; giải pháp/kiến nghị phải chi tiết, cụ thể; …
Các thành viên Đoàn Giám sát cũng quan tâm đến tiến độ và chất lượng lập quy hoạch của các bộ, thời hạn hoàn thành quy hoạch thuộc lĩnh vực được giao thoa, các quy hoạch ngành quốc gia các ngành xã hội nên được tổ chức thực hiện ra sao, vấn đề về bố trí vốn cho các quy hoạch ngành quốc gia;…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung làm việc |
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến tham gia tại phiên họp sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 4/2022 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 05 Bộ đã chấp hành tốt Kế hoạch, bám sát Đề cương giám sát và đã báo cáo tương đối đầy đủ. Theo các báo cáo đã khẳng định Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 -2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các Bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch, các Bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch.
Việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược – quy hoạch – kế hoạch – đầu tư đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.
“Khác với các bộ ngành thuộc khối kinh tế, kỹ thuật, số lượng quy hoạch ngành quốc gia được giao cho 05 bộ ngành khối văn hóa, xã hội ít hơn nhiều và cũng cho thấy ít vấn đề hơn nhưng cũng phát sinh một số khó khăn. Báo cáo của 05 bộ cũng cho thấy không có nhiều vướng mắc về hệ thống pháp luật mà chủ yếu tiến độ lập quy hoạch chậm do văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch chậm, ngoài ra chủ yếu do khâu tổ thức thực hiện”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 05 bộ tiếp tục rà soát, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để quan tâm cả 2 mặt tiến độ và chất lượng hoàn thành các quy hoạch. Đối với đề nghị cần nghiên cứu xem xét đối với các quy hoạch ngành quốc gia các ngành xã hội nên được tổ chức thực hiện khác với lại các quy hoạch vùng lãnh thổ cần hoàn thiện văn bản nêu rõ để Đoàn giám sát có căn cứ làm việc với Chính phủ và có thể triển khai ngay thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ cần làm tốt hơn trong công tác phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác trong quá trình lập quy hoạch, khớp nối các quy hoạch.
Đối với vấn đề về bố trí vốn cho các quy hoạch ngành quốc gia từ nguồn đầu tư công, thiếu hướng dẫn chi tiết với một số hoạt động. Đây không chỉ là vấn đề của 1 bộ, 1 ngành, Đoàn giám sát sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể, trong đó trực tiếp là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để sớm có hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ lưu ý vấn đề tư vấn trong tổ chức thực hiện, tham khảo Kinh nghiệm một số bộ, không phụ thuộc nhiều vào tư vấn bên ngoài; chú trọng công tác khảo sát thực trạng, thu thập số liệu, tham vấn ý kiến về quy hoạch, huy động các chuyên gia, đặc biệt đối với các tổ chức tư vấn quốc tế để hoàn thành nhiệm vụ.