Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại buổi làm việc |
Báo cáo tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực tiễn triển khai quy hoạch đô thị và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn gặp một số vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các quy hoạch. Cụ thể:
Về thời hạn (thời kỳ) quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất được lập cho từng thời kỳ 10 năm và trong mỗi kỳ quy hoạch sử dụng đất, lập kế hoạch sử dụng đất cho từng giai đoạn 5 năm tương ứng với giai đoạn kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch xây dựng được lập cho thời hạn là 20-25 năm. Thời điểm lập quy hoạch khác nhau cũng là nguyên nhân dẫn đến chưa đồng bộ về nội dung giữa hai loại quy hoạch trên cùng một địa bàn cụ thể.
Do còn chưa có sự thống nhất về thời kỳ và thời điểm lập quy hoạch nên giữa hai loại quy hoạch còn có những mẫu thuẫn về nội dung, dẫn tới khó khăn trong khi phối hợp triển khai thực hiện. Về cơ bản, mỗi loại quy hoạch đều lập trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở các thời điểm khác nhau, tính toán, dự báo các chỉ tiêu quy hoạch cho khoảng thời gian khác nhau nên khó có sự thống nhất, phù hợp hoàn toàn với nhau. Nhìn chung, giữa hai loại quy hoạch trong thực tế chưa xác định được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về các nội dung cụ thể khi lập, điều chỉnh quy hoạch.
Về phạm vi không gian và các loại, cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất còn khác nhau. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập theo phạm vi lãnh thổ của các đơn vị hành chính (quốc gia, tỉnh, huyện, xã).
Trong khi đó, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có thể lập theo phạm vi của đơn vị hành chính đô thị, xã, hoặc lập theo phạm vi của một khu vực phát triển đô thị là một hoặc một phần của đơn vị hành chính; một số đô thị có xu hướng phát triển không gian vượt ra ngoài phạm vi ranh giới hành chính đô thị hoặc được dự báo thay đổi về phân loại đơn vị hành chính thì phạm vi lập quy hoạch được xác định vượt ra ngoài ranh giới hành chính đô thị để kiểm soát, quản lý phát triển.
Do có sự khác nhau về phạm vi không gian lập quy hoạch nên việc so sánh một số chỉ tiêu cho hệ thống phân chia loại đất được sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng trên cùng địa bàn có những khó khăn nhất định, một số chỉ tiêu không có tính tương đồng dễ so sánh.
Việc phân loại đất giữa các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện còn chưa thống nhất. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xác định và quản lý các loại đất chủ yếu theo mục đích sử dụng đất; đối với nhóm đất phi nông nghiệp, một số loại đất được xác định để quản lý mục đích xây dựng công trình.
Chỉ tiêu từng loại đất, nhóm đất được xác định trên cơ sở thống kê nhu cầu sử dụng đất của các ngành, địa phương và được phân bổ từ cấp trung ương đến địa phương. Các loại đất, nhóm đất theo mục đích sử dụng được thống kê giống nhau giữa các cấp độ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Như vậy, các loại đất được thống kê không mang tính cụ thể hóa giữa các cấp độ quy hoạch; còn đan xen giữa quản lý mục đích sử dụng đất và quản lý mục đích xây dựng công trình trên đất; phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất chủ yếu là tổng hợp nhu cầu và phân bổ.
Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành làm việc với Bộ Xây dựng |
Đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các cấp độ quy hoạch, phân khu, quy hoạch chi tiết xác định và quản lý các loại đất theo chức năng sử dụng công trình xây dựng trên đất; chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Mật độ xây dựng, tầng cao xây dựng, hệ số sử dụng đất, được xác định trên cơ sở hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành xây dựng và các yêu cầu về tổ chức không gian, bảo vệ môi trường. Các loại đất được xác định giữa các cấp độ quy hoạch xây dựng là theo yêu cầu quản lý đối với từng đối tượng (toàn đô thị, khu vực, dự án đầu tư), nhằm quản lý sử dụng dụng đất theo xu hướng cụ thể hóa, chính xác dần.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, các khái niệm về chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng và hạn mức đất đai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa thống nhất. Pháp luật về đất đai chỉ quy định hạn mức đối với đất nông nghiệp, đất ở tại đô thị, nông thôn; không quy định hạn mức đối với các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Pháp luật về xây dựng quy định chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng nhà ở, đơn vị ở, đất dân dụng, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội,... làm cơ sở xác định quỹ đất cần khai thác, sử dụng để phát triển đô thị.
Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, làm cơ sở xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 66/NQ- CP và Công điện số 1079/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang thực hiện rà soát và đề xuất các quy định cần sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực hiện. Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó đã đề ra nhiệm vụ giải pháp là “Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn với quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt và quy hoạch hạ tầng”. Do đó, trong thời gian tới cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai và pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn theo đúng các chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, qua thực tiễn triển khai quy hoạch này, Bộ nhận thấy, theo quy định pháp luật về đấu thầu, các viện nghiên cứu là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, có năng lực và nhiều kinh nghiệm nhưng không được tham gia thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn lập quy hoạch, trong khi có rất ít đơn vị tư vấn có đủ chuyên môn chuyên sâu thực hiện đảm bảo chất lượng nhiệm vụ của các quy hoạch này.
Trong quá trình triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, do quy định pháp luật về quy hoạch và đấu thầu chưa quy định rõ và nhất quán về thẩm quyền quyết định đầu tư và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên còn lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Đối với việc tích hợp các nội dung quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan vào Quy hoạch ngành cần lập, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành trong quá trình xây dựng các Quy hoạch ngành cũng như việc xác định các cơ quan tổ chức tham gia xây dựng các nội dung quy hoạch tích hợp có liên quan. Do đó, việc triển khai quy hoạch ngành về hệ thống đô thị và nông thôn vẫn chưa hoàn thành so với tiến độ đề ra./.