Cần triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để cứu tôm Cfa mau thoát khỏi "mắc cạn"
Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu tôm gần như bị “đóng băng”. Sản lượng tôm chế biến 3 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 26.400 tấn, tăng 11,34% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 15.590 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 17% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu của tỉnh giảm; trong đó, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm hơn 66%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%...
Ông Trần Hoàng Em - Tổng thư ký Hội Chế biến thuỷ sản xuất khẩu (CASEP) tỉnh Cà Mau - cho biết: Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu trong toàn tỉnh đạt trên 1,15 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 6-7%, tương đương hơn 102 triệu USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng khiến cho việc xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, việc xuất khẩu mặt hàng tôm đang dần ổn định và có những tín hiệu tích cực.
Nuôi tôm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau với hơn 150.000 hộ nuôi tôm, chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu sản xuất của tỉnh, Cà Mau luôn nằm trong tốp đầu về sản lượng nuôi tôm của cả nước; tuy nhiên, hiện nay con tôm Cà Mau đang “mắc cạn” ở các kho đông lạnh, chưa thể sang những thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có những chỉ đạo cụ thể để ngành tôm vượt khó. Tuy những dấu hiệu chuyển biến đã được thể hiện rõ, nhưng trong vấn đề hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn đang rất khó tiếp cận, nếu tiếp cận được cũng rất “nhỏ giọt”. Trong khi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lại chính là trung tâm để kích cầu thị trường tôm. Vì vậy, sẽ cần những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Doanh nghiệp tôm cà Mau nắm bắt cơ hội từ EVFTA
Để giải quyết tình hình trên, trong hội nghị kiểm điểm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu ngân hàng nhà nước trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ngoài ra, các sở ban ngành, các địa phương cần thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy ngành tôm.
Ông Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ: “Những nước thị trường dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta nên sớm kết nối lại. Còn với những thị trường mà diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, có thể kéo dài hơn nữa, chúng ta không thể ngồi trông chờ mà phải tìm kiếm thị trường mới. Việc này đòi hỏi sự năng động của các ngành, các cấp đặc biệt là của ngành công thương và bản thân doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau - cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của tình hình thế giới để tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu, trong đó có mặt hàng tôm. Bên cạnh đó, Sở sẽ có kế hoạch triển khai phổ biến, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại, đầu tư (CPTPP, EVFTA, IPA,…) mang lại để tranh thủ mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhiều hơn khi thuế giảm mạnh.
Thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu và thị trường châu Âu (EU) cũng sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau đang tranh thủ nắm bắt cơ hội, lợi thế này để gia tăng kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng tôm và một số ngành hàng chế biến xuất khẩu chủ lực khác của tỉnh.
Minh Kiệt