Trước đó, ngày 13/4/2021, ông Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế ra văn bản số 2752/BYT-KCB đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, Ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) trực thuộc triển khai thực hiện việc rà soát, kiểm tra các cơ sở Khám chữa bênh sau loạt bài viết về một số cơ sở cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải cho các bệnh viện không bảo đảm tuân thủ quy trình xử lý, thiếu sự giám sát thường xuyên của các bệnh viện thuê dịch vụ dẫn đến khả năng ảnh hưởng đến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch bệnh.
Ngày 20/04/2021, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế) ra văn bản số 391/KCB-ĐD&KSNK và số 392/KCB-ĐD&KSNK tới Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương về việc làm rõ nội dung phản ánh sau loạt bài của Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm.
Đến ngày 7/5/2021, PGS, TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương ra văn bản số 440/PSTW-KSNK báo cáo kết quả rà soát và làm rõ nội dung báo chí phản ánh tới Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế).
![]() |
Bệnh viện Phụ sản Trung ương báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Y tế |
Cụ thể, ngày 22/04/2021, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận được công văn số 392/KCB-ĐD&KSNK về việc làm rõ nội dung báo chí phản ánh. Vậy Bệnh viện làm công văn báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Y tế như sau:
Ngày 31/3/2021 bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận được Giấy giới thiệu của Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm về việc hợp tác kiểm tra rà soát Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường y tế Mesco trong quá trình thực hiện giặt là, xử lý quần áo, đồ bảo hộ y tế tại Bệnh viện". Ngay sau khi nhận được phản ánh của đơn vị báo chí Bệnh viện đã cử đơn vị đầu mối quản lý đồ vải xuống kiểm tra đột xuất xưởng giặt là của Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường y tế Mesco. Tại thời điểm kiểm tra nhà xưởng được vệ sinh sạch sẽ, máy giặt được đánh dấu theo từng loại đồ vải phân biệt rõ ràng. Đồ vải được giặt theo đúng quy trình, hóa chất sử dụng có nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định.
Ngay sau khi rà soát lại toàn bộ quy trình ngày 6/4/2021 bệnh viện đã có văn bản trả lời chính thức đến Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm và đến nay Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm cũng không có ý kiến gì thêm.
Bệnh viện có quy trình quản lý đồ vải tập trung. Chất lượng giặt là đồ vải được nhân viên giám sát khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và nhân viên quản lý đồ vài tại các khoa/phòng đánh giá thường xuyên liên tục bằng bảng kiểm theo tiêu chí sau: - Sạch: không còn vết bẩn, không mùi hoặc mùi thơm của xả vải, không mùi hóa chất - Đồ vải sau khi sấy phải khô không nhàu nát, được là phẳng đối với một số chủng loại yêu cầu. - Có đủ khuy, cúc, giây buộc, không thùng rách. - Được gấp, đóng gói theo quy cách chuyên môn quy định.
![]() |
Bệnh viện Phụ sản Trung Ương chất hàng đống quần áo vải y tế sạch ra sàn nhà |
Thế nhưng, tại văn bản phản hồi của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tới Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm cho biết: “Bệnh viện kiểm tra cơ sở giặt trước khi ký kết hợp đồng chính thức” và không đề cập đến việc đơn vị có thường xuyên giám sát, kiểm tra trong thời gian đơn vị thực hiện hợp đồng với bệnh viện. Đến khi Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm có loạt bài phản ánh, đề nghị được làm việc thì Bệnh viện mới cử đơn vị đầu mối quản lý đồ vài xuống kiểm tra đột xuất xưởng giặt là.
Bên cạnh đó, trong loạt bài viết được Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm còn đăng tải về việc Phóng viên “mục sở thị” nhân viên Bệnh viện Phụ sản Trung Ương chất hàng đống quần áo vải y tế sạch ra sàn nhà. Sau đó, những nhân viên này tiếp tục công đoạn đưa các quần áo này vào túi bóng. Điều lạ kỳ nhất, những nhân viên này luôn luôn trong tình trạng chân trần, tay không bảo vệ, không khẩu trang, khu xử lý quần áo sạch lại ngay phía trên khu đồ vải bẩn của bệnh viện. Vậy những nhân viên này có đang làm đúng quy trình mà phía bệnh viện đưa ra thì không được phía bệnh viện phản hồi rõ.
Từ những thông tin, câu trả lời từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương có thể thấy, bệnh viện đang có dấu hiệu “buông lỏng” việc giám sát, kiểm tra thường xuyên trong hoạt động giặt là đồ vải tại cơ sở giặt là trong khâu kiểm soát nhiễm khuẩn? Và có vi phạm khoản h, điều 25 tại thông tư số 16/2018/TT-BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bênh?.
Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm tiếp tục thông tin.