![]() |
Con bò vàng nặng hơn 6 tạ của Sùng Chú Ly ở thôn Sảng Pả Một, xã Đường Thượng. (Ảnh: Đào Thanh). |
Con bò đặc sản đổi đời dân vùng cao
Xã Đường Thượng (huyện Yên Minh, Hà Giang) là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi bò. Vốn là địa bàn đặc biệt khó khăn, từ xưa người dân có thói quen trồng cây thuốc phiện. Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động người dân đã thay đổi tư duy tìm hướng phát triển kinh tế từ con bò vàng.
Cây ngô, cây đậu tương, cây lạc, cây cải dầu được người dân lựa chọn thay thế. Con bò vàng, cỏ voi, cỏ VA06… cũng được mang về vùng đất này để giúp bà con xóa cây thuốc phiện. Người dân được hỗ trợ mua bò giống về nuôi, cây ngô, cây cỏ voi dần dần xanh tốt đầy nương… Mất 10 năm ròng rã, đến cuối những năm 90 cây thuốc phiện mới cơ bản được xóa bỏ.
Đến nay, xã Đường Thượng có gần 1.800 con bò, hơn 100ha trồng cỏ voi tại 10 thôn bản. Đường Thượng cũng là một trong những địa phương nuôi nhiều bò vàng nhất huyện Yên Minh.
![]() |
Đến nay, xã Đường Thượng có gần 1.800 con bò, hơn 100ha trồng cỏ voi tại 10 thôn bản. (Ảnh: Đào Thanh). |
Anh Sùng Mý Tỏa (thôn Sảng Pả Một) có 10 con bò vàng và là hộ nuôi nhiều bò thứ hai ở Đường Thượng. Anh Tỏa cũng là người tiên phong nhổ bỏ cây thuốc phiện để thay vào đó là cây ngô, cây đậu tương. Khi bò vàng bán được giá, nhà Tỏa cũng nuôi nhiều bò, trồng nhiều cỏ nhất vùng.
Theo chia sẻ của Sùng Mý Tỏa, nhờ nuôi nhiều bò, cái nghèo cũng được đẩy lùi. Bò ở đây bán dễ, thương lái đến tận thôn bản thu mua. Con gầy xấu mang ra trung tâm huyện Yên Minh, Quản Bạ hoặc về thành phố Hà Giang là bán được. Những con mã đẹp hơn được đưa về các tỉnh miền xuôi. Ở Hà Nội nhiều người rất thích ăn thịt bò vàng Hà Giang.
Còn anh Sùng Chú Ly cũng ở thôn Sảng Pả Một là hộ nuôi nhiều bò nhất xã Đường Thượng. Nhờ con bò vàng, người đàn ông này có một gia đình hạnh phúc. Đầu năm nay, Sùng Chú Ly vừa bán 6 con bò, được hơn 100 triệu. Anh mua thêm được một thửa đất ở đầu làng và một mảnh nương rộng 4.000m2 để trồng cỏ. Những đồi cỏ ấy giúp Ly nuôi sống thêm bao nhiêu lứa bò vàng. Hiện tại, trong chuồng của nhà anh còn 11 con bò.
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi dịp tháng 5 vừa rồi, con bò đực nặng hơn sáu tạ của vợ chồng Ly đạt hai giải Nhất tại cuộc thi do UBND huyện Yên Minh tổ chức. Gồm giải Nhất môn thi “Bò có ngoại hình đẹp” và môn thi “Lực sỹ bò vàng”. Sau hội thi, con bò của Ly vinh dự được chọn để nhân giống với những con bò cái của các bản làng người Mông trong vùng.
![]() |
Những sườn núi được phủ xanh bởi những vùng cỏ nuôi bò vàng. |
Hà Giang có trên 110.000 con bò vàng hay còn có tên gọi khác là bò Mông, gắn bó mật thiết, lâu đời với bà con ở 4 huyện vùng cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Giống bò vàng Hà Giang có nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu được điều kiện chăm sóc kham khổ, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon.
Những năm trở lại đây, trong các chương trình, nghị quyết, tỉnh Hà Giang đã đưa con bò vàng trở thành vật nuôi chủ lực trong phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý và phát triển du lịch.
Chuồng bò to hơn nhà ở và thịt bò vàng đắt hơn bò Mỹ
Anh Mua Dũng Phử từng là hộ nghèo ở thôn Khai Hoang Một (xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh). Kể về hành trình đi lên từ con bò, Mua Dũng Phử lại kể về câu chuyện xây chuồng bò to hơn nhà ở.
Chuồng bò nhà Phử được xây cách đây hơn 10 năm. Khi ấy, đường vào Khai Hoang Một còn là đường đất nhỏ như sợi chỉ. Xe máy chở vật liệu chỉ đi được đến đầu làng, đoạn đường còn lại Phử nhờ người bản cõng trên lưng bằng khuẩy tấu. Mất khoảng 3 con bò mộng bán cho thương lái chuồng bò ấy mới được cứng cáp như bây giờ.
Từ ngày có chuồng bò kiên cố, Phử nuôi được nhiều lứa bò không bị dịch bệnh, lại không phải đêm tối thấp thỏm mất ngủ vì lo trộm đến dắt mất bò. Ngày trước, ở các vùng giáp biên giới, chuyện trộm bò khá phổ biến. Bọn trộm bò chỉ cần dắt qua phía bên kia biên giới là các hộ dân không thể tìm được. Cũng bởi thế, nhà nào cũng cố xây dựng chuồng bò thật kiên cố. Kiên cố hơn cả nhà ở, vì con bò là tài sản quý giá của mỗi gia đình.
![]() |
Khu chuồng bò xây kiên cố của một gia đình ở thôn Mua Mí Pó. (Ảnh: Đào Thanh) |
Nhà Phử có 8 con bò, giá được khoảng hơn 100 triệu đồng. Ở xóm của Phử, nhà nào cũng nuôi bò. Nhà Phử, nhà anh em họ hàng của Phử và nhà đứa cháu Phử… đều nuôi bò vàng. Không chỉ riêng bản của Phử mà từ các xã Du Già, Du Tiến, Đường Thượng, Hữu Vinh đến xã Lao Và Chải, Lũng Hồ, Mậu Duệ… hầu như nhà nào cũng có con bò vàng trong chuồng.
Cái nghèo vẫn hiện hữu với những nếp nhà liêu xiêu, nhưng ngoài chuồng bò nhiều nhà đã xây dựng kiên cố. Bởi con bò mang theo hi vọng ấm no cho người dân, là tài sản có giá trị lớn nhất của mỗi hộ gia đình nơi cao nguyên đá này.
Anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là người Tày. Ngày trước, nhà Cát nuôi nhiều bò nhất làng. Con bò giúp anh em Cát có tiền học hành đầy đủ, rồi tiền lấy vợ, làm nhà cũng từ con bò mà ra.
Gắn bó lâu năm với con bò, anh hiểu cách chăm sóc cũng như đặc tính sinh trưởng của con bò. Bởi vậy sau gần 10 năm vào miền Nam làm kinh tế, năm 2019, anh Cát quyết định về quê khởi nghiệp với con bò qua việc xây dựng chuỗi liên kết với bà con ở các thôn bản và doanh nghiệp ở thành phố lớn.
Đến nay, HTX của anh Cát đã có 300 con bò liên kết hơn 100 hộ dân, tập trung chủ yếu ở Bắc Mê và các vùng lân cận ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên. Cát bảo, liên kết với các hộ dân, bà con chủ động chăm sóc bò, còn HTX hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu đầu ra, chăm sóc thú y.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX của anh Cát bán ra thị trường khoảng 10 con bò thịt cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Số bò vàng ấy, HTX vẫn phải phụ thuộc vào thị trường trong dân. Tuy nhiên tương lai, HTX sẽ hướng tới tự chủ đàn vật nuôi. Như thế mới đảm bảo chất lượng các con bò, vì HTX chủ động được quy trình nuôi, chăm sóc.
![]() |
Có những con bò vàng được HTX Cát Lý bán với giá lên tới 1,1 triệu đồng/kg thịt thành phẩm. (Ảnh: Đào Thanh).. |
Theo anh Thượng Thái Cát, đã có con bò vàng Hà Giang thuần chủng được anh bán giá lên tới 1,1 triệu đồng/kg thịt thành phẩm, đắt ngang với giá của thịt bò Úc, thịt bò Mỹ.
Đó là loại thịt có những sợi mỡ rất nhỏ, ăn có vị ngây và rất mềm, mùi đặc trưng của thịt bò. Khi thịt ra gầu nhiều mỡ, nó không phải mỡ có thể lọc ra được mà là mỡ giắt trong thịt. Loại thịt ấy vào tay người nấu giỏi khi ăn cảm giác miếng thịt có thể tan ra trong miệng. Tuy nhiên, trong số 10 con bò vàng Cát thịt ra may mắn cũng chỉ có một con có loại thịt ấy.
HTX Cát Lý đang hướng tới mục tiêu khoảng 5 năm nữa, tổng đàn bò của HTX liên kết với các hộ dân là 10.000 con. Những con bò đều được bình tuyển và đảm bảo là bò vàng thuần chủng, có sổ ghi chép phân loại lứa tuổi. Anh Lý cũng đã xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm từ thịt bò như giò bò, chả cốm bò, xúc xích bò, bò sốt vang… Anh xây dựng nhà hàng vừa để bày bán sản phẩm từ bò, vừa là điểm dừng chân cho du khách khi đến tham quan du lịch tại xã Thuận Hòa./.