Tây Nguyên có gạo... ngon nhất thế giới |
Đắk Nông nâng tầm vị thế nông sản địa phương thông qua chương trình OCOP |
Sau gần 20 năm thành lập, Đắk Nông đã có những bước phát triển đáng kể. Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Mười- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về những đóng góp của báo chí trong sự phát triển chung của tỉnh này.
"3 trụ cột, 3 đột phá", thu hút đầu tư để phát triển
PV: Đắk Nông được thành lập với xuất phát điểm khá thấp, tuy nhiên hiện nay tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, xin ông điểm qua một số thành tựu quan trọng của tỉnh trong gần 20 năm xây dựng và phát triển?
![]() |
Ông Hồ Văn Mười- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (thứ 4 từ trái sang) tặng hoa chúc mừng các nhà báo nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. |
Ông Hồ Văn Mười- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Bình Phước; phía Tây giáp Vương quốc Campuchia, với 141 km đường biên giới.
Tỉnh Đắk Nông biết mình đang đứng ở đâu trong tỉnh thành về lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Đắk Nông cũng là tỉnh "sinh sau, đẻ muộn", mới có 20 năm thành lập nên còn ít kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, chính quyền, Nhân dân tỉnh Đắk Nông đều luôn luôn lắng nghe, cầu thị, chia sẻ và giải quyết mọi vấn đề đến nơi, đến chốn.
![]() |
Hồ trung tâm thành phố Gia Nghĩa. |
Về khoáng sản, tỉnh có trữ lượng bô xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai. Về năng lượng tái tạo, tỉnh có tổng số giờ nắng cao và hướng gió đều vào cả hai mùa mưa và mùa khô đều có tốc độ gió bình quân 2,4 -5,4 m/s rất thích hợp cho phát triển điện gió và điện mặt trời.
Ngoài ra, Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi khi có độ cao trung bình 700m so với mực nước biển. Nhờ vậy mà quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ. Đắk Nông còn có rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vỹ với các thác nước như Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Đắk G'Lun, Đắk Buk So, Năm Tầng, hồ Tà Đùng…và đặc biệt là Công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tất cả những tiềm năng này kỳ vọng sẽ "đánh thức" ngành du lịch tỉnh nhà phát triển trong tương lai.
Một tiềm năng khác tuy không mới nhưng vẫn chưa khai thác hết đó là lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh Đắk Nông có 366.000 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm 56% diện tích đất tự nhiên. Quan trọng nhất là Đắk Nông sở hữu 9 nhóm đất chính, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan màu mỡ, giàu dinh dưỡng, tốt cho cây trồng. Loại đất này chiếm trên 80% diện tích. Cùng với mạng lưới sông suối, ao hồ dày đặc… là điều kiện vô cùng thuận lợi để kích hoạt sự phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
![]() |
Hồ tiêu Đắk Nông có diện tích lớn nhất cả nước. |
Nắm bắt được lợi thế và những khó khăn mà tỉnh sẽ phải đối điện, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đưa ra định hướng sẽ tập trung phát triển ba trụ cột, ba đột phá và thu hút đầu tư.
"Để phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Đắk Nông quyết tâm sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển các cây trồng có lợi thế"- ông Hồ Văn Mười- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. |
Trong đó 3 trụ cột gồm: Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị…; Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên về cảnh quan, thời tiết, khí hậu, các giá trị văn hóa bản địa.
Để làm được những điều đó, Đắk Nông sẽ cần 3 đột phá là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông…và phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Để nông dân có thể sống tốt trên đồng đất Đắk Nông, tôi nghĩ khó mấy cũng phải làm!"
PV: Nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong nền kinh tế của tỉnh Đắk Nông; sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đa dạng, phong phú. Tuy nhiên hiện nay, có thể nói giá trị kinh tế các sản phẩm nông nghiệp chưa cao, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; việc sản xuất thiếu tính bền vững; việc xuất khẩu chủ yếu là xuất thô, chưa phát huy hết giá trị thực sự của sản phẩm. Để giải quyết những vấn đề này, Đắk Nông đã và sẽ có những chiến lược gì?
Ông Hồ Văn Mười- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Đắk Nông được thừa hưởng lợi thế tuyệt vời cho nền nông nghiệp, có thể coi là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"… Hiện nay, Đắk Nông với ngành hàng chủ lực cà phê với trên 135.000 ha trồng và sản lượng 335.000 tấn (đứng thứ 3 cả nước); hồ tiêu gần 34.000 ha, sản lượng gần 60.000 tấn (đứng đầu cả nước)… Ngoài ra còn có hàng chục ngàn ha cao su, điều, các loại cây ăn trái nổi tiếng Tây Nguyên như: bơ, chanh dây, xoài, mắc ca, sầu riêng...
![]() |
Cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Nông. |
Đắk Nông cũng sở hữu 13.000 ha lúa thơm với sản lượng 82.000 tấn. Nói đến Đắk Nông người ta sẽ nghĩ đến những sản phẩm nông nghiệp tên tuổi như: Cà phê Đức Lập, Tiêu Đắk Song, Sầu riêng Đức Mạnh, Mắc ca Tuy Đức, Ca cao Đắk Mil, Măng cụt Đắk Nia, Xoài Đắk Gằn, Gạo Buôn Choah, Khoai lang Tuy Đức... Tất cả những điều đó đã góp phần giúp tổng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 13.193 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,11% kinh tế của tỉnh…
Chúng tôi định hướng sẽ thu hút đầu tư phát triển các loại cây giá trị kinh tế cao như mắc ca, chanh leo, trái cây, rau và hoa…, đi kèm với nó là xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến sâu.
Hiện nay, tỉnh đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng với năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, chúng tôi đã có 47 sản phẩm OCOP và có 1 khu nông nghiệp và 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đây là những tiền đề cho những bước phát triển tới đây của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Đắk Nông quyết tâm sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển các cây trồng có lợi thế.
![]() |
Lúa gạo ở Đắk Nông được đánh giá là ngon nhất thế giới. |
Nhưng để làm được điều này cần sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các giải pháp để nâng cao giá trị đối với các cây trồng có lợi thế của tỉnh. Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Tiếp theo sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000...
"Giải pháp có rất nhiều, nhưng để làm được tất cả điều đó cần quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo địa phương và người dân Đắk Nông. Thế nhưng, để nông dân có thể sống tốt trên đồng đất Đắk Nông, tôi nghĩ khó mấy cũng phải làm!" - Ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. |
Bên cạnh đó khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Tất cả nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh chinh phục các thị trường khó tính.
Ngoài ra, tỉnh cũng xác định cần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi từ các "chuỗi cung ứng nông sản" sang phát triển "chuỗi giá trị ngành hàng"… chấm dứt điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như nhiều năm trước.
Quan trọng nhất là việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp; hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường thông qua các nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định…
Giải pháp có rất nhiều, nhưng để làm được tất cả điều đó cần quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo địa phương và người dân Đắk Nông. Thế nhưng, để nông dân có thể sống tốt trên đồng đất Đắk Nông, tôi nghĩ khó mấy cũng phải làm!
Mỗi nhà báo là một tuyên truyền viên giúp cho tỉnh xúc tiến đầu tư
PV: Có thể khẳng định, báo chí Cách mạng Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển. Đối với tỉnh Đắk Nông nói riêng, ông có thể đánh giá vai trò của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh nhà?
Ông Hồ Văn Mười- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Mỗi anh, chị, em nhà báo sẽ là một tuyên truyền viên, là người làm nhanh nhất, tốt nhất trong việc giúp cho tỉnh Đắk Nông xúc tiến đầu tư hiệu quả trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, khi các phóng viên phát hiện vấn đề gì đó chưa tốt thì cũng có sự chia sẻ để tỉnh có sự định hướng, giải quyết. Nếu như tỉnh có sự chây ỳ, không giải quyết thì các anh chị em mạnh dạn công khai trên báo chí.
Mọi đầu mối công việc liên quan đến báo chí đều thông qua Sở Thông tin và Truyền thông. Hàng tuần trong họp Ban cán sự, chúng tôi luôn luôn đặt lên hàng đầu đối với báo chí. Trong các phiên họp hàng tuần của Thường trực Tỉnh ủy, những vấn đề nổi cộm mà báo chí đưa ra đều được đặt trên bàn của Thường trực và rất tôn trọng thông tin của báo chí. Những thông tin của báo chí đều được chuyển đến các đơn vị, cơ quan chức năng để trả lời, giải đáp.
Báo chí đã góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí cung cấp thông tin, phát hiện, đề cập những tồn tại, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong đời sống, nhất là của cán bộ để góp phần giúp các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý. Báo chí còn là kênh giám sát, theo dõi, thông tin quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí đã được phát hiện.
Đồng thời, báo chí biểu dương, cổ vũ các tấm gương, nhân tố mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch…Thông qua các tác phẩm báo chí về đề tài phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà niềm tin của người dân vào các cấp ủy, chính quyền ngày càng được củng cố, nâng lên.
Tuy nhiên, báo chí vẫn còn những hạn chế, thiếu sót trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí có lúc chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời, khách quan những hiện tượng, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Một số cơ quan báo chí còn thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…
Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết cần coi trọng hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và bảo đảm điều kiện cho báo chí hoạt động đúng pháp luật và tôn chỉ, mục đích. Dù báo chí ở cấp trung ương hay địa phương đều phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, chấp hành nghiêm pháp luật, mục đích, tôn chỉ hoạt động. Báo chí phải bảo đảm tính chính trị, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, thực sự là tiếng nói của Đảng, chính quyền và diễn đàn của Nhân dân.
Các cơ quan báo chí phải luôn chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng, góp sức vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và những người làm báo luôn nỗ lực, phấn đấu cao hơn.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, kính chúc các đồng chí, những người làm báo ở Đắk Nông luôn nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp, “tâm sáng, bút sắc”, tiếp tục cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
PV: Xin cảm ơn ông!