PGS.TS. Đồng Huy Giới, Giảng viên cao cấp Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam, Chủ biên sách giáo khoa Công nghệ THPT của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. |
Chào ông cảm ơn ông đã dành thời gian cho nội dung phỏng vấn của Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm.
Thưa ông kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ gồm 2 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Như vậy môn Công nghệ là một trong 2 môn thi (Tin học, Công nghệ) lần đầu tiên được đưa vào môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Xin ông cho biết khi chọn môn Công nghệ để thi tốt nghiệp THPT học sinh sẽ có lựa chọn đăng ký học đại học, cao đẳng các ngành, lĩnh vực nào?
PGS.TS Đồng Huy Giới: Khi chọn môn Công nghệ để thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt với định hướng nông nghiệp, học sinh có thể lựa chọn đăng ký vào các ngành và lĩnh vực liên quan đến khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, công nghệ, và quản lý, như:
Nhóm ngành Nông nghiệp và Công nghệ nông nghiệp:
- Khoa học cây trồng (Trồng trọt, bảo vệ thực vật, giống cây trồng…).
- Chăn nuôi - Thú y (Chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc sức khỏe động vật…).
- Nông nghiệp công nghệ cao (Ứng dụng công nghệ IoT, thủy canh, khí canh, và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp…).
- Bảo quản và chế biến nông sản (Quy trình sau thu hoạch, chế biến thực phẩm từ nông sản).
Nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật
- Công nghệ thực phẩm (Sản xuất, chế biến thực phẩm từ nông sản, quản lý chất lượng thực phẩm….).
- Công nghệ sinh học (Nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng sinh học vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất vaccine,…).
- Kỹ thuật cơ khí nông nghiệp (Thiết kế, chế tạo và vận hành máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp).
Nhóm ngành Quản lý và Phát triển nông thôn
- Kinh tế nông nghiệp (Quản lý kinh tế, tài chính, và thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp).
- Quản lý đất đai (Quản lý tài nguyên đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp).
- Phát triển nông thôn (Lập kế hoạch, phát triển cộng đồng nông thôn bền vững).
Nhóm ngành Môi trường
- Kỹ thuật môi trường (Xử lý chất thải trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp).
- Quản lý tài nguyên và môi trường (Quản lý tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp bền vững).
Nhóm ngành Kinh doanh và Khởi nghiệp trong Nông nghiệp
- Thương mại nông sản (Xuất nhập khẩu, kinh doanh và phát triển thị trường nông sản).
- Khởi nghiệp nông nghiệp (Ứng dụng công nghệ mới để phát triển mô hình kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp).
Khi lựa chọn môn Công nghệ để thi tốt nghiệp THPT năm 2025 học sinh có thể lựa chọn đăng ký vào các ngành và lĩnh vực liên quan đến khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, công nghệ, và quản lý. |
Nhóm ngành Giáo dục và Nghiên cứu
- Giáo dục công nghệ (Trở thành giáo viên dạy Công nghệ ở cấp THPT hoặc cán bộ nghiên cứu giáo dục công nghệ).
- Khoa học và nghiên cứu nông nghiệp (Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ phục vụ nông nghiệp bền vững).
Theo PGS.TS Đồng Huy Giới, khi chọn ngành học, các em học sinh cần chú ý chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, tìm hiểu yêu cầu xét tuyển của từng trường đại học, cao đẳng, để đảm bảo tổ hợp môn thi đáp ứng tiêu chí tuyển sinh.
Ông có đánh giá như thế nào về đề thi minh họa môn Công nghệ vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức?
PGS.TS Đồng Huy Giới: Về hình thức, đề được chia làm 2 phần, phần I gồm 24 câu trắc nghiệm nhiều sự lựa chọn, phần II gồm 4 câu trắc nghiệm đúng sai.
Về nội dung: Nội dung các câu hỏi trong đề minh họa bát sát yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018 môn Công nghệ, tập trung chủ yếu vào các nội dung kiến thức cốt lõi, đặc trưng của môn Công nghệ thuộc các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và bảo vệ môi trường. Đây là những nội dung kiến thức quan trọng giúp học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực đặc thù của môn Công nghệ đã được thể hiện trong chương trình GDPT 2018, đồng thời cũng là những nội dung kiến thức nền tảng giúp các em học sinh tiếp tục học tập chuyên nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Đề thi có đầy đủ các nôi dung của cả lớp 10, lớp 11 và lớp 12, trong đó tập trung chủ yếu vào nội dung của lớp 12. Các câu hỏi vào nội dung của lớp 10 và lớp 11 chủ yếu là các câu hỏi ở mức độ biết và hiểu, không có câu hỏi ở mức độ vận dụng.
Các câu hỏi đều được thể hiện theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, hầu như không có các câu hỏi kiểm tra sự ghi nhớ máy móc. Các câu hỏi đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện (khai thác thông tin, hình ảnh, bảng biểu, đồ thị) thông qua đó đánh giá được tổng thể các năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, một trong những điểm mới dễ nhận ra của đề minh họa đó là nhiều câu hỏi trong đề đã hướng đến việc khai thác và giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn hoặc khai thác các kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học, điều này thể hiện tính thiết thực và cập nhật của các nội dung trong đề thi.
Với các nội dung và cách thể hiện của đề minh họa, sẽ giúp định hướng cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học môn Công nghệ trong các nhà trường THPT, đồng thời đây cũng là thông tin quan trọng cho các trường Đại học thuộc khối Nông – Lâm – Ngư nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, sinh học, môi trường,.. sử dụng kết quả thi tốt nghiệp môn Công nghệ vào các tổ hợp tuyển sinh từ năm 2025.
Học sinh Trường THPT Bình Lư học môn Công nghệ |
Ông có lời khuyên gì cho giáo viên trong công tác giảng dạy để có thể hỗ trợ học sinh một cách tốt nhất?
PGS.TS Đồng Huy Giới: Để hỗ trợ học sinh một cách tốt nhất trong giảng dạy môn Công nghệ cấp THPT, giáo viên cần tập trung vào việc xây dựng một môi trường học tập thực tiễn, sáng tạo và tích hợp. Cụ thể là cần làm tốt một số vấn sau:
Thứ nhất, bám sát mục tiêu, nội dung và YCCĐ của chương trình
Trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá luôn bám sát mục tiêu, nội dung và yêu cầu của chương trình. Tập trung nâng cao kỹ năng thực hành, tư duy giải quyết vấn đề và kiến thức về nông nghiệp hiện đại.
Liên kết nội dung bài học với thực tế sản xuất nông nghiệp tại địa phương, giúp học sinh thấy rõ tính thiết thực của nội dung bài học.
Thứ hai, tăng cường hoạt động thực hành và trải nghiệm khi có điều kiện
Tổ chức các buổi học ngoài trời tại các trang trại, cơ sở sản xuất, hoặc các mô hình nông nghiệp thực tế giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm và tiếp cận với thực tiễn.
Khuyến khích và hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án liên quan đến nội dung bài học như trồng cây, chăm sóc vật nuôi, hoặc xây dựng hệ thống thủy canh, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản nhằm giúp học sinh trải nghiệm thực tiễn và hiểu sâu hơn về quy trình kỹ thuật.
Tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp, mời các chuyên gia giới thiệu về các cơ hội học tập và việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ ba, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp
Đặt ra các tình huống hoặc vấn đề thực tiễn để học sinh đưa ra giải pháp sáng tạo, chẳng hạn như giải quyết vấn đề ô nhiễm trong nông nghiệp hay tối ưu hóa sản xuất trên quy mô nhỏ.
Hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật hoặc đề xuất ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bằng cách kết hợp lý thuyết, thực hành và định hướng nghề nghiệp, giáo viên có thể giúp học sinh không chỉ hiểu rõ kiến thức mà còn phát triển niềm đam mê và kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai.
Đối với học sinh ông có phương pháp học nào gợi ý cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 hiện nay để có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất từ đó đạt được kết quả cao nhất trong các kỳ thi, trong đó đặc biệt là kỳ thi Tốt nghiệp THPT?
PGS.TS Đồng Huy Giới: Để có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất từ đó đạt được kết quả cao trong các kỳ thi, trong đó đặc biệt kỳ thi Tốt nghiệp THPT, các em học sinh cần chú ý nắm chắc lý thuyết cơ bản: Học kỹ các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, đặc biệt là các nội dung trọng tâm về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.
Tóm tắt và ghi nhớ thông minh: Sử dụng sơ đồ tư duy hoặc ghi chú để hệ thống hóa kiến thức nhằm khắc sâu kiến thức và thuận lợi cho việc ghi nhớ.
Tăng cường liên hệ thực tế: Môn Công nghệ là môn học có tính thực tiễn rất cao, vì vậy học sinh cần chủ động vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn; quan sát hoặc tham gia các hoạt động nông nghiệp tại địa phương để củng cố, khắc sâu và mở rộng kiến thức.