Thuốc và thực phẩm chức năng thiên nhiên tại Việt Nam: Giải pháp phát triển trong giai đoạn COVID-19 |
![]() |
Hội thảo trực tuyến “Thuốc và thực phẩm chức năng nguồn gốc thiên nhiên: Giải pháp phát triển trong giai đoạn COVID-19” |
Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Tại Việt Nam, những năm gần đây, thị trường sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên được người tiêu dùng chào đón nồng nhiệt, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai.
Mặc dù phát triển là vậy, nhưng tại Việt Nam hiện nay chưa có những căn cứ, tiêu chuẩn, hay điều luật nào quy định thế nào là thuốc hay thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường, ngoài giấy phép do Bộ Y tế cấp xác định đó là thuốc hay thực phẩm chức năng thì không có bất cứ cơ quan nào xác nhận đó có phải là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hay không, việc quảng cáo là sản phẩm thiên nhiên do chính doanh nghiệp đó tự công bố. Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá hết sức nguy hiểm bởi thuốc và Thực phẩm chức năng là loại sản phẩm đặc thù, chỉ cần một yếu tố không đúng như quảng cáo cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chữa bệnh cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Cần có một tiêu chí cụ thể, rõ ràng
Tại hội thảo trực tuyến “Thuốc và thực phẩm chức năng nguồn gốc thiên nhiên: Giải pháp phát triển trong giai đoạn COVID-19” , PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện tại tình trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ làm ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng.
“Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, tình trạng này diễn ra rất nhiều. Đáng nói, thời điểm hiện tại, không có tiêu chí nào để có thể phân biệt được đâu là dòng sản phẩm xuất xứ từ thiên nhiên nên người tiêu dùng cũng khó khăn hơn trong việc lựa chọn cho dòng sản phẩm tốt và phù hợp với mình”, ông Truyền nhấn mạnh.
![]() |
PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo |
Đồng quan điểm với PGS.TS Lê Văn Truyền, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng: Chúng ta cần có bộ tiêu chí để nhận biết thế nào là sản phẩm thiên nhiên? Khi có bộ tiêu chí nhận diện sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn trong việc lựa chọn các dòng sản phẩm.
“Trong quá trình các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau sẽ có rất nhiều các sản phẩm. Việc sản phẩm dùng hóa chất với sản phẩm sử dụng các hoạt chất thiên nhiên chưa có một bộ tiêu chuẩn nào để đánh giá. Điều này dẫn đến việc có thể xảy ra vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Chính vì vậy, nếu có bộ tiêu chí, chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt được các dòng sản phẩm”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng cho rằng chúng ta cũng cần bộ tiêu chí để để có thể từ đó đưa ra các khuyến cáo xem người bệnh có thể sử dụng lâu dài hay không?
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng: "Nếu có bộ tiêu chí, chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt được các dòng sản phẩm." |
Còn bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó viện Trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, VCCI cho rằng: Với doanh nghiệp đây sẽ bộ tiêu chí giúp nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, để từ đó có thể nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
“Nếu được xây dựng và ban hành, đây sẽ là bộ công cụ quan trọng giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp với khách hàng. Doanh nghiệp nào áp dụng đúng với tiêu chuẩn thì chắc chắn sẽ được nâng cao về mặt hình ảnh, đồng thời nâng cao cả về hiệu suất trong quá trình sản xuất cung ứng dịch vụ, giảm thiểu các tổn thất về kinh tế.
Hiện nay Việt Nam chúng ta cũng đang hội nhập Quốc tế nên doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để đối chiếu, so sánh, đánh giá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của nền kinh tế, làm cho việc cạnh tranh minh bạch hơn...”, bà Thuỷ nói.
![]() |
Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó viện Trưởng Viện phát triển doanh nghiệp phát biểu |
Cơ quan nào sẽ ban hành bộ tiêu chí?
Về vấn đề ban hành bộ tiêu chí, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng đề xuất: Nên chăng trong khi Việt Nam chưa ban hành bộ tiêu chí chính thức về quy cách, phẩm chất của sản phẩm thì nên trao cho một tổ chức chuyên môn nào đó thực hiện việc này.
“Tôi cho rằng nên giao việc này cho Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam làm đầu mối để soạn thảo Bộ tiêu chuẩn khung. Trước mắt nên trao luôn cho cơ quan này chức năng thẩm định và cấp chứng nhận cho các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng cũng cho biết thêm, các nhà khoa học của Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam thời gian qua đã và đang nghiên cứu để có thể đưa ra được một bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.
“Tôi được biết, vào năm 2020 Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam đã ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở lần 1 cho “Sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên”. Với bộ tiêu chuẩn này, các sản phẩm phải có thành phần trên 50% là thiên nhiên thì mới được công nhận là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên”, ông Hoàng nói.
![]() |
Dược sĩ Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh phát biểu |
Bên cạnh việc đề ra những tiêu chí, quy định cụ thể để quản lý sản phẩm, nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội thì việc khuyến khích, động viên các doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm phòng, chống COVID-19 từ nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ nguyên liệu cổ truyền là điều hết sức cần thiết.
Dược sĩ Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh cho rằng: Việc nghiên cứu, sản xuất thuốc phòng, chống dịch COVID-19 được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm không đơn thuần là vì lợi ích trước mắt, mà còn vì trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia và dân tộc. Trong thời gian doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo ra thuốc phòng chống COVID-19 rất cần sự hỗ trợ, động viên từ Chính phủ, các Bộ ngành và dư luận.
Ông Ngô Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Phẩm Vinh Gia cho biết: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp dược đã tích cực vào cuộc nhằm tìm ra những sản phẩm phòng và chống dịch COVID-19. Việc phát triển những sản phẩm chức năng đã có lên thành sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 là điều rất bình thường và nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đang hợp tác với các nhà khoa học để phát triển các sản phẩm thành thuốc điều trị COVID. Tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều điều tiếng không hay cho rằng doanh nghiệp lợi dụng việc này việc nọ để quảng cáo thực phẩm chức năng.
“Khi chưa được cấp phép thì tất cả mọi nghiên cứu cũng chỉ là dự án và rất mong dư luận hiểu rõ khuyến khích động viên doanh nghiệp chứ đừng phê phán để chúng tôi mất động lực”, ông Vinh chia sẻ.
![]() |
Bà Trần Bảo Ngân - đại diện truyền thông của TRAFFIC Việt Nam |
Đồng tình với việc khuyến khích tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng bà Trần Bảo Ngân, đại diện truyền thông của TRAFFIC Việt Nam – Một tổ chức giám sát buôn bán động vật hoang dã Quốc tế vẫn lưu ý và khuyến cáo: “Sự xuất hiện và lây lan của COVID-19 và các dịch bệnh tương tự như SARS, MERS trong những năm gần đây cùng bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc sử dụng các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái phép như sừng tê giác, cao hổ cốt… lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành những hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, nhưng để xóa bỏ vấn nạn này, hướng tới xây dựng và sử dụng nguồn nguyên, dược liệu bền vững và hợp pháp, vẫn cần có sự chung tay của toàn ngành dược và thực phẩm chức năng”.