Cà phê bước vào chu kỳ tăng giá mới? Chuyên gia tiết lộ 4 nguyên nhân khiến giá cà phê bật tăng Giải mã diễn biến “lạ” của giá cà phê |
Cà phê trở lại đường đua tăng giá. |
Sau khi tăng dựng đứng và đạt đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg hồi cuối tháng 4, giá cà phê tới đầu tháng 5 bất ngờ giảm sốc, về mốc 95.000 đồng/kg. Chỉ trong 1 tuần, giá nông sản này đã mất gần 39.000 đồng/kg, tương đương giảm 28,5%. Đây là đợt giảm giá mạnh nhất trong lịch sử khi có phiên ghi nhận giảm đến 15.300 đồng mỗi kg. Khi đó, cụm từ “rơi tự do” được nhiều người sử dụng để nói về đà giảm giá cà phê.
Tuy nhiên, đến nửa cuối tháng 5, đà giảm đã ngừng lại và giá cà phê bắt đầu hồi phục. Những ngày này, giá cà phê đã tăng liên tiếp và dường như đang hướng tới đỉnh lịch sử thiết lập hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Giá cà phê hôm nay (31/5) tại thị trường trong nước tiếp tục tăng ngày thứ ba liên tiếp, cộng thêm 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 122.000-123.200 đồng/kg.
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 124.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 124.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 124.600 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 125.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 125.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 124.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 124.600 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 124.600 đồng/kg.
Thị trường đang tập trung đánh giá triển vọng sản lượng cà phê của một số quốc gia chủ chốt. Tại Brazil, mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 5-9 hàng năm. Tuy nhiên, một số dự báo sớm cảnh báo hiện tượng La Nina có thể quay lại, thay cho hiện tượng El Nino, từ tháng 7 tới đây với các đợt mưa lớn sẽ cản trở quá trình thu hoạch tại Brazil.
Còn tại Việt Nam, tồn kho cà phê được đánh giá gần như đã cạn kiệt. 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024), Việt Nam xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 1,5% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Với kết quả này, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 65-70% trong tổng sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6-1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê Robusta lớn nhất thế giới. |
Hiện, Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Thế nhưng, những tháng gần đây, lượng cà phê xuất khẩu có chiều hướng sụt giảm.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 của nước ta giảm 10% so với vụ trước, còn khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 triệu bao loại 60kg).
Việc Việt Nam tiếp tục khan hiếm cà phê ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới là nguyên nhân thúc đẩy giá cà phê nội địa đi lên, khi nhu cầu của các nhà rang xay thế giới về Robusta vẫn rất cao.
Bên cạnh đó, các nhà vườn và doanh nghiệp cho biết, mặc dù giá cà phê cao giúp ổn định diện tích trồng, nhưng việc mở rộng diện tích là khó khăn do giá cả cạnh tranh từ các loại cây trồng khác. Điều này càng khiến những dự báo khan hiếm về sản lượng gia tăng.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, nước ta xuất khẩu khoảng 833 nghìn tấn cà phê, thu về 2,9 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu giảm 3,9%, nhưng giá trị tăng mạnh 44,1% do giá cà phê tăng và neo ở mức cao.
Hiện các quỹ đầu cơ gia tăng vị thế mua ròng, với dự báo nguồn cung Robusta từ Việt Nam tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Điều này thúc đẩy giá cà phê nội địa Việt Nam đi lên, khi nhu cầu của các nhà rang xay thế giới với Robusta vẫn rất cao.