MC- BTV Sơn Lâm đang là một thế hệ người dẫn mới. |
Mê ánh đèn sân khấu từ thời cấp 3
Xuất thân là kỹ sư hoá dầu, tại sao anh lại quyết định theo nghiệp truyền hình?
Từ khi còn học cấp 3 tôi đã được thầy cô tin tưởng giao dẫn những chương trình tại trường vì… làm lớp trưởng hay phát biểu. Tôi say mê ánh đèn sân khấu từ đó nhưng chỉ thích vậy thôi.
Đến năm thứ 2 đại học, những cơ hội đứng trên sân khấu bắt đầu rõ ràng hơn, trường cử tôi đi thi Sinh viên Thủ đô tài năng thanh lịch năm 2010 và được giải nhất. Sau đợt đó tôi dẫn nhiều chương trình của Thành đoàn Hà Nội, các hội nghị, hội thảo cho đến chương trình sinh viên nên kinh nghiệm sân khấu được bồi đắp nhiều.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Kỹ sư lọc hóa dầu, tôi có một quãng thời gian gần 2 năm tìm việc trong ngành Hóa. Tôi nhảy việc liên tục, thậm chí là tìm được học bổng sang Hàn Quốc để nghiên cứu về pin lithium. Nhưng quả thực phải trải nghiệm rồi, tôi mới thật sự thấy mình không hợp với nghề hoá, chỉ sau 2 tuần tôi đã quay về. Khi quay lại, bước chân vào sảnh đài, nhìn thấy logo VTV, tôi thấy đây là nơi mình thuộc về.
Nhiều người cho rằng MC- BTV truyền hình là một nghề hấp dẫn, là người trong cuộc, anh nói gì?
Đúng là nghề MC- BTV truyền hình cực kỳ hấp dẫn, càng làm càng mê. Tôi may mắn được làm ở nhiều vị trí, ngày xưa làm VTV6 sản xuất các chương trình về giới trẻ, khi sang VTV3 các chương trình mang tính giải trí và tin tức hơn một chút, bây giờ làm VTV24 thực sự là làm tin tức. Hàng ngày, việc của tôi là cập nhật tin tức xem hôm nay có gì nóng, góc nhìn của mình về những tin tức đó là như thế nào, mình sẽ trình bày góc nhìn đó lên sóng ra sao ... Tin tức thực sự là “chất gây nghiện” cho tôi, khi tách ra khỏi dòng tin tức đó tôi luôn cảm thấy thiếu thiếu, khó chịu.
Là người làm báo truyền hình lâu năm, anh có cho rằng nghề MC- BTV truyền hình có khá nhiều sự cạnh tranh?
Đây là một nghề có sự cạnh tranh khá cao, nếu chỉ dẫn không thì không thể đứng vững ở Đài hoặc bất kỳ một kênh truyền thông nào đó, bởi hàng năm, liên tục có nhiều sinh viên tốt nghiệp từ những trường liên quan đến báo chí, các bạn ấy lên dẫn rất hoạt ngôn, cách dùng từ cũng rất văn minh trẻ trung. Nếu bản thân MC- BTV không thay đổi, nghĩa là phải làm những việc khác ngoài việc dẫn và phải làm tốt việc đấy thì không thể trụ vững được. Liên tục thay đổi, cập nhật cũng chính là cách tôi đang đi và khẳng định vị trí của mình.
Nhiều người mới chỉ nhìn thấy hào quang của nghề MC- BTV truyền hình, người dẫn xuất hiện với trang phục đẹp, trang điểm đẹp khi lên hình nhưng không thấy được góc khuất phía sau của công việc làm báo hình. Với anh, phía sau công việc lên hình có gì khó khăn, thách thức?
Khi bắt đầu đi sâu hơn vào nghề truyền hình, nghĩa là làm thêm nhiệm vụ của phóng viên, biên tập viên mảng tin tức, tôi mới được trải nghiệm áp lực thực sự của nghề. Tin bài cần đảm bảo đúng giờ, đảm bảo đủ an toàn khi lên sóng, thông tin phải chính xác, tạo được cảm xúc cho khán giả. Cái khó ở đây là mình không dừng lại dòng tin tức được, mình phải chạy cùng nó, bắt sóng nhịp nhàng với nó. Tôi phải luôn cập nhật, luôn trong trạng thái đuổi bắt với tin tức. Mệt nhưng thú vị lắm. Nó cũng tạo cho tôi thói quen mới. Nghe thì có vẻ xấu nhưng thực ra cũng tích cực thôi, đó là: "Để ý chuyện người khác".
Làm truyền hình còn thêm thách thức nữa, đó là thời gian. Tôi và vợ đã phải ngồi họp với nhau một cách rất nghiêm túc xem tôi phân bổ bao nhiêu thời gian cho công việc, bao nhiêu thời gian dành cho gia đình bởi có giai đoạn tôi ăn ngủ ở Đài cả ngày lẫn đêm.
Giờ tôi đã lập gia đình nên một cách rất tự nhiên, tôi thấy mình cần và muốn được về nhà mỗi tối. Điều đó tạo thành động lực để một ngày mình làm việc nhanh hơn, quyết liệt hơn. Phải cố, vì mỗi tối có vợ con ở nhà đợi cơm, không về không được.
Hai Sơn Lâm trong một con người
Khoảnh khắc đời thường của MC Sơn Lâm. |
Ai là thần tượng của anh trong nghề?
Thần tượng thì khó nói lắm (cười) nhưng tôi may mắn gặp được những người sếp dày dạn kinh nghiệm định hướng cho mình trong suốt quá trình làm việc tại VTV. Cách đây chục năm, khi còn ở VTV6, chị Tạ Bích Loan đã cho tôi biết thế nào là talk-show kiểu nhà báo, nó là khai thác – liên kết thông tin, nó khác hoàn toàn với việc chỉ hỏi và trả lời như trong nghề MC mà tôi vẫn biết.
Rồi tới khi qua dẫn tại chương trình Cafe sáng với VTV3, dù phải thức dậy từ 4h sáng mỗi khi có lịch dẫn nhưng tôi vẫn nhớ như in cảm giác được chú Lại Văn Sâm, chị Tùng Chi nhắn tin lên nhóm nhận xét về từng số phát sóng mà mình vừa lên hình.
Còn từ khi làm sâu về tin tức – bình luận, tôi lại được tiếp cận với cách làm, cách viết của những anh chị đi trước như: anh Việt Hoàng (da nâu), anh Quốc Khánh (thể thao) … Tôi học được ở họ rất nhiều, cũng từ đó mọi người lại tin tưởng trao cho tôi những cơ hội để được thể hiện mình với cách viết, cách dẫn của tôi.
Điều gì làm anh ấn tượng nhất trong hành trình làm nghề?
Tôi luôn tự cảm thấy mình là người có khả năng bắt chước. Khi tôi thực sự thích điều gì đó thì sẽ bắt chước họ một cách tương đối. Tôi thích nghề dẫn chương trình nên khi xem MC nào đó, tôi sẽ bị nhiễm phong cách của họ.
Thuở mới vào Chuyển động 24h, tôi rất mông lung. Dù đã được ghi nhận ở các chương trình, sự kiện sân khấu nhưng Chuyển động 24h là một dạng chương trình khác. Bấy giờ, câu hỏi dành cho tôi là: “Phải làm gì với dạng chương trình này?”, và câu trả lời quán tính bật ra trong đầu tôi lúc ấy chính là, hãy bắt chước người đang làm tốt nhất. Thời điểm đó, chỉ có anh Phúc là BTV nam dẫn Chuyển động 24h, nên tôi nghĩ hãy bắt chước anh Hạnh Phúc. Bởi rõ ràng, anh ấy đã được mọi người ghi nhận là người làm rất tốt. Rồi sau này, trong các mục Điểm tuần và Tiêu điểm, tôi bắt chước anh Việt Hoàng, Quốc Khánh … cách viết và triển khai ý. Với tôi, bắt chước càng nhiều càng tốt, làm càng giống là càng thành công. Bởi tôi tự nhận thấy rằng: sau 1 khoảng thời gian, những điều mình bắt chước người khác sẽ phai nhạt đi, tâm trí và cơ thể mình sẽ tự chắt lọc để chỉ còn đọng lại những chi tiết hợp với mình nhất. Trộn tất cả các chi tiết được góp nhặt đó lại với nhau, tôi có phong cách của MC – BTV Sơn Lâm thời điểm này.
Dự định sắp tới của anh là gì?
Với các công việc ở đài, VTV Digital đang có rất nhiều các sản phẩm mới liên quan đến số, VD như: một ngày sẽ dự kiến có trực tiếp 2 lần Breaking news nói về chủ đề nóng đang diễn ra trong xã hội, tôi rất cần và mong muốn có sự đóng góp nào đó rõ ràng cho chương trình mới này trên nền tảng số.
Về phần mình, tôi cần quản lý rõ ràng hơn về thời gian, đó vẫn luôn là vấn đề mà tôi đau đáu. Tôi cũng có một dự án cá nhân trên kênh tiktok và các nền tảng số khác của mình. Đó là dự án “2 Sơn Lâm đây!” - khán giả sẽ được thấy hai Sơn Lâm trong một con người đó là: một Sơn Lâm chính luận và một Sơn Lâm giải trí.
Anh có lời khuyên với các bạn trẻ muốn theo nghề MC- BTV truyền hình?
Đầu tiên phải thử xem có thích có hợp không, đây cũng là câu chuyện cá nhân tôi. Nếu như ngày xưa không thử đi xin việc hoá dầu và bị từ chối rất nhiều, nếu ngày xưa tôi không thử đi du học nước ngoài, đạt được học bổng và sang Hàn Quốc học thì bây giờ có thể tôi vẫn tiếc những cơ hội đó. Khi mình thử rồi, trong môi trường đó rồi, mình mới biết mình có hợp hay không, với nghề MC- BTV cũng vậy, nếu có cơ hội thì hãy thử, hợp thì tuyệt vời những cũng biết đâu mình không hợp thì sao? Khi đó lại có con đường khác dành cho mình.
BTV Sơn Lâm tên đầy đủ là Dương Sơn Lâm, sinh năm 1989. Anh là gương mặt quen thuộc trên truyền hình tại các chương trình như Việc tử tế, Cafe sáng với VTV3, 60 phút mở, Chuyển động 24h, dẫn điểm cầu Chung kết Đường lên đỉnh Olympia... Cái tên Sơn Lâm xuất hiện trong bảng đề cử BTV/ MC ấn tượng của VTV Awards nhiều năm liền. |