Bộ Y tế: Các bất cập liên quan đến mua sắm y tế sẽ được giải quyết Y tế là nghề đặc biệt, cần có đãi ngộ đặc biệt Bổ sung những thực phẩm này vào khẩu phần ăn để giúp kiểm soát nguy cơ bị tiểu đường? |
Nguy cơ của việc tiêu thụ các sản phẩm chứa đường
Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng tiêu dùng các dòng sản phẩm nước ép trái cây, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền rất cao. Dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% trong 5 năm nữa. Điều này có thể cho thấy, trong tương lai không xa, các sản phảm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).
Theo Thứ trưởng, căn nguyên gây béo phì và bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường túype 2…) là việc sử dụng đường không có kiểm soát, đặc biệt là tiêu thụ đồ uống có đường ở cả người lớn và trẻ em.
Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường….
"Căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn. Cùng với lượng đường được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng tổng hàm lượng năng lượng của sản phẩm" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Đề xuất của Bộ Y tế
Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em. Thứ trưởng cũng đánh giá cần phải xây dựng danh mục thực phẩm lành mạnh để trẻ em không bị lôi cuốn theo thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.
Bộ Y tế cho rằng, cần áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường. Tuy nhiên, nếu chỉ truyền thông thôi thì hiệu quả không cao và cần rất nhiều năm để có thể thay đổi được thói quen người tiêu dùng.
Dự thảo sơ bộ báo cáo đánh giá tác động chính sách đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đánh giá thuế đồ uống có đường, Ths.Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đề xuất một số giải pháp như:
Thứ nhất: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bên cạnh đó áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường;
Thứ hai: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường;
Thứ ba: Nhà nước không can thiệp đến vấn đề này, thị trường về đồ uống có đường và tiêu thụ đồ uống có đường của người dân vẫn như thực trạng hiện nay.
Bộ Y tế kiến nghị giải pháp thứ nhất là hiệu quả, có sức nặng nhất, kinh tế nhất và mang lại lợi ích sức khỏe cho người dân. Giải pháp thứ hai mạnh nhưng chưa phải giải pháp toàn diện. Bộ Y tế cũng khuyến nghị không lựa chọn giải pháp ba - giữ như hiện tại với mức tiêu thụ tăng …
"Nếu chỉ truyền thông thôi thì hiệu quả không cao. Thuế và giá là biện pháp mạnh cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm" , Ths.Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Bộ Y tế đề xuất áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường, cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100ml đồ uống. Cụ thể, sẽ có quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế. Nếu hàm lượng đường trên ngưỡng này đánh theo mức đường càng nhiều, thuế càng cao.
Một số sản phẩm dinh dưỡng gồm sữa, các sản phẩm sữa, các sản phẩm từ sữa... có hàm lượng đường thấp (ví dụ như sữa ít đường) được đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cân nhắc thời điểm vì ngành giải khát đang gặp khó
Tuy nhiên, tại hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ CôngThương) cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thời điểm áp dụng vì ngành giải khát hiện cũng đang gặp không ít khó khăn.
Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Các doanh nghiệp lớn có số lao động lên tới khoảng 3.000 người, kéo theo chuỗi giá trị với quy mô gấp 6-9 lần, bao gồm nhà cung ứng, phân phối, thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tác động lan tỏa lớn với nền kinh tế.
Trong khi đó, thống kê cho thấy, doanh thu ngành nước giải khát năm 2020 giảm mạnh tới 17% so với năm 2019. Về lợi nhuận, trong năm 2020 lợi nhuận trung bình của ngành nước giải khát giảm 94,96% so với năm 2019. Tác động của dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của người lao động trong ngành sản xuất và kinh doanh nước giải khát.
Bước vào năm 2022, mặc dù có sự phục hồi trở lại của ngành nước giải khát do sự mở cửa trở lại của các ngành du lịch và ăn uống, tuy nhiên lợi nhuận gộp của ngành dự kiến vẫn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao, trong đó có xăng dầu, đường, nhôm và nhựa.
"Thời điểm áp dụng việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc cho phù hợp; cần được xem xét theo đúng quy trình bao gồm cả việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, đảm bảo đánh giá kỹ lưỡng đầy đủ và có sự thống nhất", đại diện Bộ Công Thương nói.
Hiện nay, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo về thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.