Khó chồng khó cho doanh nghiệp chế biến, cơ sở giết mổ
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), ngành thuỷ sản tại nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong khâu khai thác tại các cảng cá. Hiện nay, có 14 cảng có ca bệnh F0 phải dừng hoạt động. Tại 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16, khá nhiều cảng hoạt động khó khăn.
Với các cảng dừng hoạt động, tàu cá phải chạy sang tỉnh khác làm chi phí ngư dân bỏ ra tăng lên. Trong khi đó, các cảng đón nhận cũng bị vượt quá công suất, một số cảng phải điều thêm lực lượng… “Đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin có các đối tượng làm việc cở khu vực cảng cá”, ông Luân nói.
Bộ NN&PTNT đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân tại các nhà máy chế biến, cơ sở giết mổ |
Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản thông tin thêm, hiện nay nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản, lượng công nhân nhiều. Doanh nghiệp đặt vấn đề nhờ địa phương tìm địa điểm cho công nhân lưu trú, nhờ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại địa phương hỗ trợ hướng dẫn y tế để duy trì sản xuất, tuy nhiên lại không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rơi vào tình cảnh bơ vơ, rất khó khăn.
Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ở góc độ xuất khẩu rau quả, ĐBSCL là vùng cung cấp chính hoa quả nhiệt đới chất lượng cao cho xuất khẩu. Khu vực ĐBSCL giãn cách tiếp 2 tuần, vấn đề thu hoạch hoa trái xuất khẩu đối mặt khá nhiều vấn đề.
“Các địa phương phản ánh đều không cho bà con tiến hành thu hái. Các công ty xuất khẩu, điển hình như Công ty Chánh Thu, việc tổ chức thu hái cũng khá khó khăn. Nếu không được tiêm vắc xin sớm thì đội thu hái hoa quả xuất khẩu rất khó khăn”, ông Hoà nói.
Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đánh giá, với thuỷ sản, nếu không giải quyết nhanh vấn đề tiêm vắc xin, khâu khai thác, thu mua, vận chuyển từ đơn vị nuôi trồng đến nhà máy cũng sẽ ảnh hưởng.
“Cần sớm có tác động với Chính phủ, địa phương, phối hợp tốt hơn nhằm giải quyết các vướng mắc này trong thời gian tới. Nếu không, cả xuất khẩu hoa quả, thuỷ sản thời gian tới đều sẽ gặp khó”, ông Lê Thanh Hoà nhấn mạnh.
Ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19
Qua khảo sát của Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT), ngoài việc doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân lực lao động thì hiện TP. HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thu hoạch và chế biến nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng |
Cụ thể, hiện nay các tỉnh Nam bộ đang bước vào thời kỳ thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực như lúa Hè Thu khoảng 5,5 triệu tấn lúa; 640 nghìn tấn trái cây và khoảng 500 - 600 nghìn tấn rau, củ, quả mỗi tháng.
Bên cạnh đó, hàng tháng sản xuất khoảng 141 nghìn tấn heo 480 nghìn tấn thủy sản, 55 nghìn tấn gà và 550 triệu quả trứng gia cầm, trong đó 28 nghìn tấn gà công nghiệp đang tồn đọng, 337 nghìn tấn thủy sản nuôi trồng cần đưa vào chế biến.
Mặt khác, mùa vụ sản xuất lúa Thu Đông, lúa vụ Mùa cũng đang được triển khai cần rất lớn nhu cầu về giống lúa khoảng 30 - 40 nghìn tấn giống và các loại vật tư nông nghiệp.
Hoạt động thả nuôi tôm, cá tra cũng đang được tích cực chuẩn bị. Dự kiến mỗi tháng cần khoảng 10 tỷ con tôm postlarvae, 150 - 200 nghìn con cá tra giống. Các trại giống hiện nay đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi.
Để duy trì, phục hồi sản xuất nông nghiệp Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã có Văn bản gửi Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về hỗ trợ chính sách phù hợp để duy trì sản xuất công nghiệp ổn định trong tình hình dịch COVID-19.
Trong đó, Tổ công tác 970 đề xuất Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất có kiến nghị với Chính phủ: Tạo điều kiện và ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thuỷ sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện “3 tại chỗ” trực tiếp sản xuất.
Triển khai Chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL.
Chính phủ chỉ đạo giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khuyến khích cơ sở sản xuất và doanh nghiệp thu mua nông sản thiết yếu và cung ứng vật tư nông nghiệp để kích cầu thúc đẩy sản xuất...