Một nông dân trồng thanh long tại xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ: "Hiện, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 16.000 đồng/kg. Sau khi, trừ chi phí phân, thuốc, đợt thu hoạch này thu lãi khoảng 30 triệu đồng, cho 1.000 trụ thanh long. Giá tăng, nông dân chúng tôi rất phấn khởi".
Nhiều nông dân ở xã Hàm Thạnh cũng cho hay, thanh long chỉ cần có giá 10.000 đồng/kg là đã có lãi. Năm nay, thương lái ngỏ ý mua với giá 15.000 – 20.000 đồng/kg thì rất hào hứng. Đặc biệt, nhiều tháng qua, do dịch Covid - 19, hoạt động xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng, làm giá thanh long lên xuống thất thường.
So với tháng trước, thời điểm này giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận cao gấp đôi với giá thu mua tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg
Theo một thương lái thu mua thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết: "Nguyên nhân giá thanh long tăng cao là do đợt thu hoạch này không có nhiều trái chín. Nên các vựa không đủ hàng đóng thùng xuất khẩu, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lên cao".
Trong 3 ngày trở lại đây, các vựa thu mua thanh long tại tỉnh Bình Thuận liên tục phát giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, tùy theo tỷ lệ đẹp xấu. Cụ thể, hàng đẹp nhất đúng chuẩn xuất khẩu qua Pò Chài (Trung Quốc) được mua 20.000 đồng/kg.
Riêng hàng dạt bị nấm, xấu xí trước đây không ai muốn mua, giờ cũng bán được 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Tuy nhiên hiện nay tại một số hộ trồng cây thanh long đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh trên trái.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, thời điểm này trên cây thanh long, bệnh đốm nâu nhiễm 415ha với tỷ lệ nhiễm nhẹ 5 - 10%, tăng 167ha so với kỳ trước, tập trung tại Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi.
Ngoài ra, bệnh thán thư cành, quả nhiễm 137ha, tăng 32ha so với kỳ trước. Đặc biệt trong giai đoạn này, sự xuất hiện của bệnh nám cành, vàng cành gần 3.600ha, tăng 2.090ha so với cùng kỳ năm trước. Bệnh thối rễ tóp cành nhiễm là 1.477ha.
Với tình hình thời tiết hiện nay, khả năng các loại sâu bệnh như đốm nâu, thán thư, ốc sên sẽ tăng về diện tích và mức độ gây hại. Bệnh thối rễ tóp cành, vàng nám cành có xu hướng giảm về diện tích và mức độ gây hại.
Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 30.000 ha thanh long, sản lượng 550.000 tấn mỗi năm
Ngành chức năng khuyến cáo, đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn, tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho người dân biết và áp dụng. Đối với bệnh vàng cành, bà con bón hoặc phun bổ sung các loại phân bón lá có hàm lượng lân, canxi, magie, kali cao để tăng cường độ cứng của cành...
Theo thống kê, tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 30.000 ha thanh long, sản lượng 550.000 tấn mỗi năm. Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện nay thanh long Bình Thuận cũng đã xuất khẩu được một số nước khác như: Đức, Mỹ, Nhật, Dubai, Arab Saudi, Hàn Quốc, Australia...
Hồng Nga