Đặc điểm của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu (còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-zoster gây ra. Virus này có thể lây truyền qua đường hô hấp (khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chảy nước mũi) hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các mụn nước của người bệnh.
Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể xảy ra với bất kỳ ai mắc bệnh. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao gặp biến chứng hơn, bao gồm:
Trẻ sơ sinh: Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn yếu và chưa phát triển toàn diện nên rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với virus thủy đậu. Biến chứng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng máu,... và thậm chí tử vong.
Virus varicella-zoster gây ra bệnh thủy đậu |
Thanh thiếu niên: Theo các nghiên cứu, thủy đậu biến chứng thường gặp ở đối tượng thanh thiếu niên và người lớn hơn. Mầm bệnh thủy đậu có nguy cơ lan truyền cao hơn ở những nơi đông người như bệnh viện, trường học, nhà trẻ… Thanh thiếu niên là đối tượng đang độ tuổi đi học, tiếp xúc gần gũi với môi trường tập thể như ở trường học, ký túc xá, nhà trọ, do đó khả năng nhiễm bệnh cũng cao hơn.
Có nghiên cứu cho thấy thủy đậu làm tăng nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn nghiêm trọng ở trẻ khỏe mạnh trước đây lên gấp 40 đến 60 lần. Nguy cơ biến chứng như vậy tăng lên sau khi 15 tuổi và đặc biệt cao ở những người từ 20 tuổi trở lên.
Phụ nữ mang thai: Khi nhiễm bệnh thủy đậu trong thai kỳ, virus có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Mẹ bầu có thể bị viêm phổi và những biến chứng đe dọa tính mạng. Thai nhi có thể bị dị tật bẩm sinh, nguy cơ nhiễm trùng cao. Nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh thủy đậu bị sảy thai hoặc phải chuyển dạ sớm.
Người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy yếu: Những người mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh ung thư, đái tháo đường,... hoặc đang sử dụng thuốc corticosteroid liều cao có nguy cơ cao gặp biến chứng do thủy đậu.
Các biến chứng của bệnh thủy đậu?
Nhiễm trùng da: Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh thủy đậu. Nó xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các mụn nước và gây ra nhiễm trùng. Nhiễm trùng da thường có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng máu.
Viêm phổi: Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm phổi. Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh thủy đậu có thể gây khó thở, đau ngực và sốt. Viêm phổi thường được điều trị bằng kháng sinh, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến tử vong.
Viêm não: Viêm não là tình trạng viêm nhiễm não. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng của bệnh thủy đậu có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, sốt, cứng cổ và co giật. Viêm não thường được điều trị bằng thuốc chống vi-rút, nhưng nó có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
Viêm gan: Nhiều trường hợp viêm gan tối cấp, viêm gan tự miễn (AIH) – một dạng rối loạn tự miễn dịch, xảy ra khi các tế bào gan bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể khiến gan bị viêm và tổn thương đã được báo cáo sau khi nhiễm virus varicella zoster.
Các nghiên cứu cho thấy các tác nhân nhiễm virus có thể kích hoạt quá trình tự gây tổn thương gan ở bệnh AIH, dẫn đến tăng nguy cơ tiến triển thành xơ hóa gan và xơ gan. Vì vậy, AIH được khuyến cáo xem xét ở các bệnh nhân có men gan thay đổi liên tục sau khi bị nhiễm virus gây bệnh thủy đậu. Tương tự, bệnh nhân mắc AIH nên được sàng lọc viêm gan siêu vi.
Bên cạnh đó, rối loạn chức năng gan cũng thường được báo cáo ở bệnh nhân sau khi mắc thủy đậu.
Các vấn đề xuất huyết: Xuất huyết là biến chứng thủy đậu hiếm gặp nhưng có thể gây tổn thương nghiêm trọng, cần theo dõi chặt chẽ. Biến chứng xuất huyết phổ biến hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch và những bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Dấu hiệu xuất huyết có thể biểu hiện bằng việc bùng phát các mụn nước xuất huyết rất rộng trên da, hoặc gây bầm tím trên da gọi là phát ban xuất huyết. Tình trạng xuất huyết có thể diễn ra ở cơ quan tiêu hóa, phổi, biểu hiện là xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi ồ ạt khiến người bệnh tử vong do mất máu hoặc suy hô hấp.
Hội chứng Reye: Hội chứng Reye là một bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm ảnh hưởng đến gan và não. Nó thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên dùng aspirin hoặc các thuốc liên quan khác khi bị thủy đậu hoặc cúm. Các triệu chứng của hội chứng Reye bao gồm buồn nôn, nôn, nhầm lẫn và co giật. Hội chứng Reye có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng máu là biến chứng thủy đậu nguy hiểm, xảy ra khi vi khuẩn tử các nốt phỏng thủy đậu bị nhiễm trùng xâm nhập vào máu. Vi khuẩn gây nhiễm trùng máu thường gặp là liên cầu khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn. Nhiễm trùng huyết có thể gây tổn thương mô, suy nội tạng và tử vong nhanh chóng cho người bệnh.
Bất cứ ai cũng có thể bị biến chứng nhiễm trùng huyết, nhưng một số người có nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn là người từ 65 tuổi trở lên, người có hệ miễn dịch suy yếu, mắc các bệnh lý mạn tính như viêm phổi, ung thư, tiểu đường và bệnh thận.
Zona thần kinh: Zona thần kinh là một bệnh do cùng một loại virus gây ra bệnh thủy đậu. Nó gây ra một đợt phát ban đau đớn, thường xuất hiện ở một bên mặt hoặc thân. Zona thần kinh thường có thể được điều trị bằng thuốc chống vi-rút, nhưng nó có thể gây ra đau dai dẳng (đau thần kinh sau zona) sau khi phát ban khỏi.
Những dấu hiệu giúp phát hiện sớm thủy đậu biến chứng?
Sốt kéo dài hơn 4 ngày hoặc sốt cao, trên 38,5 độ C
Ho nặng hoặc khó thở
Vết phỏng thủy đậu chảy mủ (chất lỏng đặc, màu vàng) hoặc chuyển thành màu đỏ
Phát ban lan rộng sang một hoặc cả hai bên mắt
Chóng mặt hoặc lú lẫn, mất ý thức
Tim đập loạn nhịp
Mất khả năng phối hợp cơ, đi lại khó khăn
Nôn mửa
Run rẩy (rung lắc dữ dội)
Cổ cứng
Đau đầu dữ dội
Buồn ngủ bất thường hoặc khó thức dậy
Khó nhìn vào đèn sáng
Cách khắc phục biến chứng của thủy đậu?
Hiện nay, chưa có cách khắc phục nào hoàn toàn cho các biến chứng của bệnh thủy đậu. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nặng hơn và hỗ trợ cơ thể phục hồi. Cách khắc phục sẽ phụ thuộc vào từng biến chứng cụ thể.
Nhiễm trùng da: Sử dụng thuốc sát trùng tại chỗ, bôi thuốc mỡ kháng sinh, uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ nếu nhiễm trùng da lan rộng hoặc nghiêm trọng.
Viêm phổi: Nhập viện, sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm phổi, hỗ trợ hô hấp, sử dụng máy thở hoặc thở oxy nếu cần thiết.
Viêm não: Người bệnh cần được nhập viện để điều trị bằng thuốc chống vi-rút, thuốc chống co giật và các biện pháp hỗ trợ khác, Sử dụng thuốc chống vi-rút theo chỉ định của bác sĩ để tiêu diệt virus gây viêm não, sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống co giật,... để giảm các triệu chứng của bệnh.
Hội chứng Reye: Người bệnh cần được nhập viện để điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ như cung cấp dịch truyền, điều chỉnh rối loạn điện giải,..., sử dụng các biện pháp hỗ trợ chức năng gan như lọc máu, thay đổi huyết tương,...điều trị các biến chứng do suy gan, suy thận, rối loạn đông máu,...
Zona thần kinh: Dùng thuốc chống vi-rút theo chỉ định của bác sĩ để rút ngắn thời gian phát bệnh và giảm nguy cơ biến chứng, uống thuốc giảm đau để giảm cơn đau do zona thần kinh, sử dụng thuốc chống trầm cảm liều thấp để giảm đau thần kinh sau zona.
Ngoài ra, bạn cũng cần: Nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Vệ sinh da bằng xà phòng và nước ấm mỗi ngày, giữ cho các mụn nước sạch sẽ và khô ráo.
Tránh gãi các mụn nước. Khi gãi các mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng và sẹo.
Hạn chế tiếp xúc với người khác cho đến khi các mụn nước đã đóng vảy và bong tróc hoàn toàn.
Ngoài ra, một trong những cách phòng ngừa hiệu quả căn bệnh thủy đậu đó là tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em vì sức đề kháng của trẻ còn yếu chưa đủ sức để chống lại sự tấn công của virus thủy đậu.
Theo BS Bùi Thanh Phong – Quản lý Y khoa vùng TP HCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Biến chứng thủy đậu có thể để lại hậu quả nặng nề như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết, đặc biệt là các đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai. Cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn chặn thủy đậu biến chứng là tiêm vắc xin thủy đậu. 98% người đã tiêm chủng vắc xin sẽ có miễn dịch phòng tránh được bệnh này.
Trẻ em chưa bao giờ mắc bệnh thủy đậu nên tiêm hai liều vắc xin, liều đầu tiên khi trẻ được 9 tháng đến 12 tháng tuổi và liều thứ 2 cách liều một 3 tháng. Những người trên 12 tuổi chưa bao giờ tiêm chủng nên tiêm hai liều vắc xin, mỗi liều cách nhau ít nhất một tháng”.
Bệnh thủy đậu có lây không? Hiểu rõ về bệnh thủy đậu |
Cẩn trọng bệnh lây nhiễm ngoài da |
Cây cỏ luồng - Thảo dược mọc hoang nơi vách đá chữa bệnh ngoài da |