Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu Quảng Trị: Ghi nhận thêm 6 ca mắc bệnh bạch hầu Quảng Ngãi: Cho học sinh nghỉ học để phòng chống bệnh bạch hầu |
Ngày 8/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu là nữ bệnh nhân P.T.C (18 tuổi, trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn).
Thực hiện điều tra dịch tễ, CDC Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân C. từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Sau khi có ca bệnh đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Trong ngày 8/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, đặc biệt tại các địa phương đang ghi nhận ca bệnh.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh bạch hầu là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Theo Cục Y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Bạch hầu là tình trạng nhiễm trùng ở đường thở trên hay vùng mũi hầu tạo nên lớp màng xám, mà khi hiện diện tại vùng thanh quản hay khí quản, có thể gây ra thở rít và tắc nghẽn. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, người bệnh có thể nguy kịch, tử vong do bị viêm cơ tim cấp và suy tim cấp.
Các đường lây bệnh là gì?
Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa nhi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí.
Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với da người mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.
Theo bác sĩ, thời kỳ ủ bệnh bạch hầu khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện gì, tiền sử tiếp xúc người bệnh và trong vụ dịch.
Thời kỳ khởi phát bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, khó chịu, da xanh.
"Khi bệnh toàn phát, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt, ho và đau họng, khó nuốt, đau đầu, khàn giọng. Vẻ mặt nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, miệng hôi, mệt mỏi nhiều. Chảy nước mũi mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi. Hạch cổ, hạch góc hàm to, cổ bạnh to tạo hình ảnh "cổ trâu".
Họng đỏ, màng giả trắng xám, ánh vàng, nhẵn bóng, dính chặt vào amidan, họng, lan rất nhanh, bóc khó, gây chảy máu và làm giả mạc lan nhanh hơn, giả mạc này không tan khi cho vào nước.
Màng giả khởi đầu thường có ở amidan, sau lan nhanh ra hầu họng, vòm họng, lưỡi gà, xuống thanh môn gây khó thở thanh quản.
Ngoài đường hô hấp, bệnh bạch hầu có thể thấy bệnh trên da, kết mạc, niêm mạc sinh dục - tiết niệu, hậu môn, ống tai", bác sĩ Phương cho hay.
Triệu chứng bệnh bạch hậu |
Triệu chứng của bệnh bạch hầu?
Các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng bao gồm đau họng, sốt, sưng cổ và suy nhược.
Trong vòng 2–3 ngày kể từ khi bị nhiễm trùng, mô chết tạo thành một lớp phủ dày, màu xám có thể bao phủ các mô ở mũi, amidan và cổ họng, khiến người bệnh khó thở, khó nuốt.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
Bệnh bạch hầu được điều trị thế nào?
Đây là một bệnh cấp cứu nên cần nhập viện ngay để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Việc điều trị cần đảm bảo các nguyên tắc như: cách ly trong 10-14 ngày, nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường; kháng sinh diệt khuẩn; thuốc trung hòa độc tố càng sớm càng tốt; phát hiện sớm các biến chứng, xử lý kịp thời; chống tái phát và bội nhiễm; dinh dưỡng đầy đủ, nếu khó nuốt phải ăn bằng sonde dạ dày.
Chủ động tiêm chủng vaccine bạch hầu |
Cách phòng tránh bệnh bạch hầu?
Tiêm chủng vaccine bạch hầu cho: trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ chuẩn bị manng thai, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu…
Tuyên truyền, cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho con đi tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ.
Phải sát trùng tẩy rửa tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân. Tẩy rửa và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng cresyl, chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi v.v… phải được phơi nắng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Đồng thời phải giữ vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hàng ngày); đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Đây là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đến bệnh viện điều trị ngay khi có những triệu chứng bệnh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.