Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là Đề án 844) trong năm 2021 sẽ thúc đẩy các hoạt động ươm tạo và kinh doanh theo hướng chuyên sâu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực trước tình hình các startup Việt thu hút vốn đầu tư mạo hiểm kém hơn so với các đối thủ đến từ Indonesia.
Theo thông báo của Đề án 844, Bộ KH&CN thông báo tuyển chọn các tổ chức có năng lực tham gia đề án năm 2021. Hạn cuối nộp hồ sơ là ngày 7/9/2020.
Các tổ chức có năng lực đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ 2021 thuộc 5 nhóm chính: Đào tạo nâng cao năng lực cho startup; Truyền thông về hoạt động startup; Kết nối mạng lưới, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam với khu vực và quốc tế; Tổ chức các sự kiện về đổi mới, sáng tạo của các ngành, địa phương; Hỗ trợ hoạt động của các tổ chức vườn ươm tạo.
Bộ Khoa học Công nghệ tuyển chọn doanh nghiệp tham gia đề án 844
Ra đời năm 2016, đề án 844 đã hỗ trợ hơn 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 500 doanh nghiệp startup. Trong đó, 52 doanh nghiệp đã gọi vốn thành công trị giá 900 tỉ đồng. Tính đến năm 2019 hiện đã có 52 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844. Trong đó có sự tham gia của 50 đơn vị chủ trì, hơn 37 các đơn vị liên danh nhằm phối hợp triển khai 61 nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước. Hơn 140 sự kiện kết nối khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ Đề án 844, trong đó sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam đã vươn ra quốc tế.
Có thể nói, việc triển khai Đề án đã đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, đem lại những tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Điều đó đã được minh chứng bằng số lượng, chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang có sự cải thiện rõ rệt. Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động, trong khi ước tính cuối năm 2015 mới chỉ khoảng 1.800 doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được Đề án 488 ưu tiên chú trọng hàng đầu
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành viên Ban Điều hành Đề án 844: “Trong năm 2020, tính đến tháng 5, số vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đạt hơn 184 triệu đô-la Mỹ với 28 thương vụ mới được thực hiện. Con số này là tương đối tích cực trong bối cảnh đại dịch Covid 19 có ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp toàn cầu. Có được kết quả này một phần là do sự phát triển tương đối mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong những năm qua. Trên cả nước hiện có 57 cơ sở ươm tạo (Business Incubator - BI) và 25 chương trình thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator - BA) cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gấp 3 - 4 lần so với năm 2016.”
Tuy nhiên, theo phân tích từ của trang tin quốc tế TechinAsia, khả năng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ở giai đoạn đầu (Seed, Pre-A, Series A-D) kém hơn so với các doanh nghiệp Indonesia. Do đó, trong giai đoạn mới, Đề án 844 sẽ đẩy mạnh việc hợp tác cùng các đơn vị có năng lực để thúc đẩy hoạt động ươm tạo (incubate) và thúc đẩy kinh doanh (acclerate) các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo các lĩnh vực chuyên sâu nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp có tầm nhìn và khả năng cạnh tranh trong khu vực, cũng như cải thiện nguồn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu vào có thể phát triển lên ở các giai đoạn sau.
Theo đó, danh mục nhiệm vụ hằng năm định kỳ thuộc Đề án 844 thực hiện từ năm 2021 đã được Bộ KH&CN công bố mới đây theo Quyết định số 2148/QĐ-BKHCN với 13 nhiệm vụ, tập trung tìm kiếm các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và tầm nhìn mong muốn đồng hành cùng Bộ KH&CN phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Những năm qua, Đề án 844 đã tiến hành tiếp nhận hơn 200 hồ sơ của các tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tuyển chọn 59 đơn vị chủ trì và 56 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm để triển khai 94 nhiệm vụ của Đề án trên toàn quốc.
Đức Thiện