Từ đầu tháng 7 đến nay đã có 14 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. |
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa tăng lãi suất huy động, với mức tăng cao nhất lên đến 0,7%/năm kể từ hôm nay. Đây là lần đầu tiên sau 2 tháng Sacombank tăng lãi suất huy động.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,3%/năm lên 3%/năm, 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,1%/năm, trong khi kỳ hạn 3 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm lên 3,3%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 4 và 5 tháng lần lượt là 3,4% và 3,5%/năm sau khi tăng 0,6% và 0,7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm lên 4,1%/năm. Mức tăng 0,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 7-8 tháng, lãi suất mới nhất là 4,2%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 9-11 tháng niêm yết 4,3%/năm sau khi tăng 0,2%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng và tăng 0,4%/năm đối với hai kỳ hạn còn lại. Kỳ hạn 13 tháng tăng 0,2% lên 4,9%/năm.
Mặc dù biên độ tăng khá mạnh, nhưng nhìn chung Sacombank vẫn đang là ngân hàng trả lãi suất huy động thấp so với mặt bằng chung.
Sacombank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại gồm 12 tháng 4,9%/năm, 15 tháng 5%/năm, 18 tháng 5,1%/năm, 24 tháng 5,2%/năm, và 36 tháng 5,4%/năm.
Sacombank là ngân hàng duy nhất điều chỉnh lãi suất trong ngày hôm nay.
Như vậy, từ đầu tháng 7 đến nay đã có 14 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Các ngân hàng đã tăng lãi suất gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, và Sacombank. Trong đó, VietBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đầu tháng.
Lãi suất tiết kiệm tăng sẽ tác động đến lãi suất cho vay
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu |
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Tăng trưởng tín dụng gần đây khởi sắc trở lại, các ngân hàng cho vay nhiều hơn nên cần nguồn tiền. Thêm vào đó, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất thấp nên các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đã hút một lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường. Do đó, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm. Một lý do khác là nền kinh tế hiện khởi sắc nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vừa qua tăng phản ánh thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống, sau khi NHNN chủ động rút bớt cung tiền nhằm hạn chế biến động trên thị trường ngoại tệ. Trong khi đó, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn liên ngân hàng đảm bảo thanh khoản. Để giảm bớt rủi ro, một vài ngân hàng gần như đồng loạt tăng lãi suất gửi tiết kiệm nhằm huy động nguồn tiền dự phòng cho hiện tại và tương lai.
Ở một góc độ khác, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng lãi suất tiết kiệm hiện nay tăng đến từ áp lực tỷ giá USD. Cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất nên dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất. Việc USD tăng gây bất lợi cho tỷ giá VNĐ, để giảm áp lực lên tỷ giá thì cần phải tăng lãi suất.
"Lãi suất tăng để các doanh nghiệp không nắm giữ ngoại tệ mà bán ngoại tệ cho các ngân hàng, lượng tiền nhàn rỗi trong dân không chuyển kênh đầu cơ sang ngoại tệ chứ lãi suất tăng không đến từ tăng trưởng tín dụng", ông Chí nhận định.
Dù vậy, theo ông Lê Đạt Chí, lãi suất huy động tăng gần đây chưa tác động đến lãi suất cho vay vì danh mục cho vay sẽ được cơ cấu lại rủi ro. Các ngân hàng có thể giảm biên lãi ròng (NIM), cũng có thể giảm chi phí vận hành, có thể dựa vào lượng tín dụng chứ không phải cứ tăng tiết kiệm là tăng lãi suất cho vay.
"Lãi suất tiết kiệm tăng đến đâu tùy thuộc vào hành động của NHNN. Mỗi một hành động của nhà điều hành sẽ dẫn đến những dự báo khác nhau. Vừa qua, Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 2%/năm nên để làm được điều này NHNN thực hiện bán USD, còn không nên chấp nhận giá USD tăng và không gây ra kỳ vọng lạm phát", ông Chí nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất tiết kiệm tăng lên tất nhiên sẽ tác động đến lãi suất cho vay đi lên. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện mới khởi sắc trở lại nên lãi suất cho vay khó có thể điều chỉnh trong thời điểm này. Bởi lãi suất cho vay thấp và ổn định mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào giai đoạn cuối năm. Để đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 2%/năm, NHNN sẽ thực hiện hỗ trợ các NH, đẩy một lượng tiền lớn trên thị trường nhằm giữ mặt bằng lãi suất thấp. Nếu làm điều này thì cần lưu ý tác động đến lạm phát.