![]() |
Đại biểu Vũ Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) |
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch).
Chất vấn về vấn đề này, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) nhấn mạnh, đây là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách. Có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là một trong những chương trình của Nghị quyết 43/2022/QH15. Ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn.
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ.
"Việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Nhiều doanh nghiệp quyết định vay không phải vì được hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp mới đi vay, mà quyết định vay để làm gì và có khả năng trả nợ hay không", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Liên quan đến nhận định của Đoàn giám sát cho rằng, nguyên nhân khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm là công tác truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết để triển khai chương trình Ngân hàng nhà nước ngoài việc tổ chức các hội nghị, còn yêu cầu chi nhánh Ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành ở các tỉnh, thành địa phương tổ chức các hội nghị kết nối với các doanh nghiệp và ngân hàng, có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí cũng đã rất tích cực đăng tải các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước; các tổ chức tín dụng đăng tải thông tin trên website để khách hàng nắm được.