Một loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động
Một loạt ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. |
Tháng 7, một loạt ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động như Eximbank, NCB, SeABank, BaoVietBank, Saigonbank...
Trong số đó, BVBank và ABBank đã nâng mức lãi suất huy động các kỳ hạn dài lên 6%/năm. Trước đó, nhóm các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động từ 6-6,1% gồm HDBank, OceanBank, OCB, NCB và SHB.
Cụ thể, mức lãi suất huy động 6,1%/năm, cao nhất thị trường hiện nay, được HDBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng; NCB và OceanBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng và SHB niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn từ 36 tháng.
Mức lãi suất huy động 6%/năm đang được OCB niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn dài 36 tháng, trong khi BVBank vừa áp dụng mức lãi suất này cho tiền gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Một số nhà băng ngấp nghé mức lãi suất này khi niêm yết mức 5,9%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng, bao gồm BaoViet Bank, VietBank và PGBank. Ngân hàng MB dù chỉ niêm yết mức lãi suất 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng nhưng cũng đã nâng mức lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng lên 5,9%/năm trong tuần qua.
Xu thế tăng lãi suất huy động khiến mức lãi suất từ 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đã không còn là của hiếm. Tại thời điểm 13/7, ABBank đang dẫn đầu với mức lãi suất 5,6%/năm cho kỳ hạn này. Tiếp đến là các ngân hàng: NCB (5,35%), KienLong Bank và Eximbank (5,2%/năm), CB (5,15%), BaoViet Bank và BVBank cùng niêm yết mức lãi suất 5%/năm.
Bên cạnh đó là một loạt ngân hàng niêm yết mức lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, như HDBank, VietBank, Bac A Bank và OCB.
Ở kỳ hạn 9 tháng, có 10 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 5%/năm; trong đó, cao nhất là 5,8%/năm tại ABBank.
Tại một số kỳ hạn chủ chốt như kỳ hạn 12 tháng, số lượng các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động từ 5%/năm trở lên đã lên đến 23 ngân hàng. Trong đó, ABBank dẫn đầu khi niêm yết lãi suất 6%/năm. BVBank, ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động, đứng thứ hai với 5,8%/năm.
Số lượng các ngân hàng niêm yết mức lãi suất từ 5%/năm đối với các kỳ hạn 18 tháng đang là 26 ngân hàng, trong khi kỳ hạn 24 và 36 tháng có tới 28 ngân hàng.
Hầu hết các công ty phân tích thị trường cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.
Các chuyên gia cũng đánh giá, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá.
Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Lãi suất cho vay sẽ tăng
Vẫn có những lo ngại sẽ tác động đến lãi suất cho vay. |
Với diễn biến của lãi suất huy động gần đây, Công ty chứng khoán VnDirect nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy. Tuy nhiên VnDirect cũng cho rằng mức tăng của lãi suất huy động vừa qua là không đáng kể, ít nhất là trong quý tới, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.
Trong khi Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động toàn thị trường. Dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, vẫn có những lo ngại sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ngày 30/5/2024 NHNN có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, yêu cầu duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Đáng chú ý, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục,... nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định lãi suất huy động tăng sẽ cần độ trễ để lãi suất cho vay tăng. Chuyên gia này dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào nửa cuối năm nay, từ đó khiến lãi suất cho vay tăng lên.
"Đây là tín hiệu pha trộn giữa tích cực và tiêu cực. Khi lãi suất tăng chứng tỏ hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, bởi cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Điều này đẩy nhu cầu tín dụng tăng lên, khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng", ông Hiếu nói.
Tuy vậy, mức tăng của lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp "sức khỏe" doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.
Nhận xét về lãi suất cho vay trong thời gian tới, lãnh đạo các ngân hàng cho hay, Chính phủ có yêu cầu ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhận định: "Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, chúng tôi thấy lãi suất duy trì như những tháng đầu năm là không dễ. Chúng tôi đánh giá đi ngang hoặc xu hướng tăng lên về cuối năm”.
Riêng với ngân hàng mình, vị lãnh đạo cho biết, lãi suất cho vay vẫn đang duy trì ở mức thấp. Ngân hàng sẽ dựa trên dự báo về tỷ giá và lãi suất trên thị trường trong thời gian tới để đưa ra quyết định cho phù hợp.