Phân khúc cho vay mua nhà vẫn trầm lắng. |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 6% so với cuối 2023. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã được chỉ tiêu cao theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là đến đến hết quý II/2024, phải đạt 5-6%.
Lãi suất cho vay hiện ở mức thấp nhưng phân khúc cho vay mua nhà tại nhiều NH thương mại vẫn trầm lắng.
Chạy đôn, chạy đáo tìm khách
Nhiều tháng qua, các ngân hàng liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng lãi suất từ 5,5 – 6,5%, hay ân hạn trong 2-5 năm đầu cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác đối với nhu cầu vay mua, xây, sửa chữa nhà…Tuy nhiên, nhiều nhân viên ngân hàng vẫn phải chạy đôn, chạy đáo tìm khách vay nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu.
Theo anh Việt Anh, chuyên viên tín dụng khách hàng cá nhân tại một ngân hàng thương mại cho biết, vẫn chưa thể hoàn thành chỉ tiêu quý dù đã kết nối với nhiều môi giới bất động sản để tìm khách hàng nhưng cũng gặp khó. Bởi ngay chính các sàn giao dịch, tỷ lệ khách hàng mua đi bán lại cũng ở mức thấp.
Khảo sát thực tế một số người có nhu cầu vay mua nhà để ở và cả đầu tư đều có chung quan điểm, lãi suất ngân hàng đang rất tốt và hợp lý. Có người cũng tranh thủ “chốt đơn” để tận dụng mức lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng phần lớn đều bày tỏ sự chần chừ, chưa vội xuống tiền.
Ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc đầu tư DKRA Group cho biết, giai đoạn năm 2022- 2023, nhà đầu tư cắt lỗ nhiều, nhưng tích cực trở lại trong 5 tháng đầu năm 2024. Đã xuất hiện một số bộ phận nhà đầu tư bắt đáy, nhưng chưa rõ nét và vẫn còn tâm lý chờ đợi.
Đồng quan điểm, ông Lê Bảo Long – Giám đốc chiến lược của batdongsan.com.vn cho biết, kết quả từ khảo sát tâm lý người dùng trong quý II/2024 đã chỉ ra, thị trường vẫn trong trạng thái chờ đợi, phần lớn người mua nhà cần thêm những tín hiệu tích cực rõ nét hơn trước khi có quyết định trở lại với thị trường hay không.
“Người mua nhà vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm với các chính sách mới nên tâm lý chờ đợi vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường 6 tháng đầu năm”, ông Long nhận xét.
Lãi suất thấp nhưng không dễ vay
Lãi suất vay mua nhà xuống thấp nhưng không dễ vay. |
Chia sẻ với Báo Người Lao Động, Chị Ngọc Lê (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết thấy lãi suất vay mua nhà xuống thấp, chị rất muốn vay để mua căn hộ chung cư nhưng không được vì vướng tài sản thế chấp.
Cụ thể, chị Lê đã chọn được một căn chung cư gần nơi chị thuê nhà, với giá khoảng 2 tỉ đồng. Căn hộ này có 2 phòng ngủ, đáp ứng nhu cầu của gia đình, gần trường học của các con và cơ quan chị làm việc. Có điều căn chung cư này lại chưa có sổ hồng và là chung cư cũ và chỉ có hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư với cư dân. Do đó, ngân hàng không nhận thế chấp để vay vốn, dù chị chỉ cần vay thêm khoảng 300-400 triệu đồng.
"Tôi còn hai mảnh đất ở Long An và Bình Phước định đem đi thế chấp nhưng ngân hàng cũng không đồng ý. Hai mảnh đất này tôi mua trong đợt sốt đất 2 năm trước, mỗi mảnh hơn 1 tỉ đồng nhưng giờ giá đã giảm nhiều, rao bán cũng rất khó. Kết quả là tôi chưa vay được vốn và vẫn đang ở căn hộ cho thuê" - chị Lê kể.
Với một số trường hợp khác, khi có nhu cầu vay mua nhà đã liên hệ một số ngân hàng hỏi vay vốn nhưng lo ngại lãi suất chỉ ưu đãi trong thời gian đầu. Sau đó, lãi suất cho vay thả nổi nên họ e ngại.
Điều này lý giải vì sao lãi suất cho vay thấp, các ngân hàng liên tục triển khai các gói vay chỉ từ 5-7%/năm ưu đãi trong thời gian 6-12 tháng đầu hoặc các gói lãi suất 8-9%/năm cố định trong 2-3 năm đầu… nhưng tốc độ tăng tín dụng bất động sản vẫn chậm.
Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2024 của Công ty Tư vấn JLL cho thấy tại TP HCM, cả thị trường căn hộ phân khúc cao cấp lẫn thị trường nhà liền thổ (nhà phố) đều ghi nhận số lượng giao dịch khiêm tốn, bất chấp giá bán sơ cấp giảm tiếp so với quý trước.
Bà Trang Lê, Giám đốc Cấp cao khối tư vấn và nghiên cứu JLL Việt Nam, cho hay các chủ đầu tư tiếp tục đưa ra các chính sách chiết khấu giá bán, gia hạn thời gian thanh toán và nhiều phương thức thanh toán linh hoạt khác để kích thích nhu cầu mua nhà. "Nguyên nhân của nhu cầu trầm lắng chủ yếu do hàng tồn đắt đỏ vẫn còn nhiều và tâm lý thận trọng của người mua đối với tài sản có tính thanh khoản thấp hơn so với căn hộ trong bối cảnh kinh tế bất ổn" - bà Trang Lê nói.