Ngân hàng Nhà nước hút về 25.000 tỉ đồng, lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng. |
Thông qua thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước ngày 25/6 đã hút về 25.000 tỉ đồng. 13 thành viên tham gia trúng thầu tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,3%/năm. So với ngày trước đó, khối lượng trúng thầu tăng gần 15.000 tỉ đồng và lãi suất tăng lên 0,05%. Tuy nhiên, kỳ hạn tín phiếu lại giảm từ 18 ngày xuống 14 ngày.
Lãi suất trên thị trường mở tăng lên trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng giảm thời gian gần đây. Theo công bố mới đây từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng ngày 24.6 giảm từ 0,4 - 0,9%/năm trong 2 tuần qua. Lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống còn 3,54%/năm, 1 tuần còn 4,07%/năm, 2 tuần còn 4,42%/năm, 1 tháng còn 4,51%/năm, 3 tháng còn 4,85%/năm, 6 tháng còn 5,25%/năm, 9 tháng còn 5,93%/năm. Lãi suất tiền đồng giảm mạnh gây áp lực lên tỷ giá.
Các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nâng lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng lên 4,5%/năm, tăng 0,2%/năm so với trước đó.
Trước đó, Eximbank đã có 2 lần tăng lãi suất vào các ngày 7 và 14/6. Lãi suất tiết kiệm đang được áp dụng tại ngân hàng này dao động từ 3,5 đến 5,2%/năm.
Không riêng Eximbank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) cũng đã 2 lần tăng lãi suất trong tháng 6, mức tăng từ 0,2-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này hiện là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên gửi tiền ở NCB và OceanBank, còn tại TPBank cao nhất ở mức 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng.
Cùng xu hướng tăng lãi suất còn có sự tham gia của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)...
Lãi suất tiết kiệm tại ACB hiện dao động từ 2,8 đến 4,9%/năm, tùy vào số tiền gửi và kỳ hạn; tại LPBank dao động từ 3,4 đến 5,6%/năm; tại Techcombank từ 2,95 đến 5%/năm.
Theo khảo sát, một số ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm cao cho kỳ hạn 12 tháng từ 5,5-5,7%/năm bao gồm: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank)...
Đối với kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất cao nhất từ 5,05-5,45%/năm được niêm yết tại NCB, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)...
Ngoài ra, một số ngân hàng mới đây đã ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn. Như tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), chứng chỉ tiền gửi đợt 2 năm 2024 có mệnh giá từ 10 triệu đồng, lãi suất cố định tới 8%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm 5,5%/năm mà ngân hàng này đang niêm yết.
Hay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI có mệnh giá tối thiểu 1 tỷ đồng dù không niêm yết lãi suất cụ thể nhưng theo bảng minh họa, người mua sẽ có lãi từ 3-3,2% sau từ 1-3 tháng, trong khi lãi suất tiết kiệm từ 1-3 tháng tối đa tại VietinBank chỉ 2%/năm.
Hiện lãi suất huy động cao nhất trên thị trường là 6,1%/năm, được áp dụng tại: NCB (kỳ hạn tiền gửi từ 18 đến 60 tháng), OceanBank (kỳ hạn 18-36 tháng) và HDBank (kỳ hạn 18 tháng).
Nhóm các ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động 6%/năm có HDBank (kỳ hạn 15 tháng) và OCB (kỳ hạn 36 tháng).
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động các kỳ hạn dài (từ 24 tháng trở lên) sát với ngưỡng 6%/năm. Có thể kể đến BaoViet Bank, PGBank, SHB (5,9%/năm); BVBank, MB, SeABank, ABBank (5,8%/năm).
Trong khi đó, hầu hết ngân hàng đều niêm yết lãi suất từ 5%/năm cho các kỳ hạn huy động từ 12 tháng trở lên.