Những vướng mắc khi triển khai nhà ở xã hội Nhiều doanh nghiệp xây dựng đang “thất nghiệp” Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội |
Tìm lời giải cho bài toán nguồn cung nhà ở xã hội. Ảnh Tuấn Huy |
Nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở cho hàng triệu người lao động, tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê" do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 18/5 ghi nhận nhiều ý kiến đáng chú ý.
Nhiều bất cập
Tại buổi toạ đàm, ông Trần Đăng Toàn, tổng giám đốc Công ty Miền Đông - thành viên Kim Oanh Group, cho biết thủ tục đầu tư nhà ở xã hội không khác gì đối với dự án nhà ở thương mại. Riêng thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính vẫn phải thực hiện mặc dù nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất.
Thực tế, để thực hiện thủ tục xác định giá đất để làm nghĩa vụ tài chính mất thời gian 1-2 năm. Một vấn đề khác là vốn vay.
"Đây là mấu chốt để nhà ở xã hội thuê mua cũng như bán có thể thành công", ông Toàn nói. Từ góc độ người mua, vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng cần đảm bảo để khách hàng có thể tiếp cận gói tín dụng phù hợp. Mức lãi suất 4,8%/năm, vay trong 25 năm là phù hợp.
Song theo ông Toàn, dự án doanh nghiệp hiện đã hoàn thành xây dựng nhưng ngân hàng chính sách vẫn chưa được giải ngân để bàn giao nhà.
Với chủ đầu tư, ông Toàn cho biết mức lãi suất vay "may mắn nhất" với doanh nghiệp hiện là 6%. Còn lại, doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận tín dụng ngân hàng thương mại mức rất cao, đều hơn 10%.
Ông Trịnh Quang Minh, Trưởng ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết làm nhà ở xã hội bán rất khó khăn về thủ tục kéo dài, giá bán cao hơn so với thu nhập của người lao động có thu nhập thấp. Quy định không hấp dẫn nhà đầu tư, lợi nhuận 10% không thu hút nhà đầu tư...
Do đó, phát triển nhà ở xã hội cho thuê sẽ hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế, phù hợp với thu nhập của người lao động. Hơn nữa nhu cầu thuê rất lớn, trong khi nguồn cung lại ít, khan hiếm, giá nhà cho thuê thị trường lại rất cao.
Theo ông Minh cần gỡ 3 khó khăn khi làm nhà ở xã hội cho thuê. Thứ nhất là khó về thu hút nguồn lực đầu tư, thứ hai là vị trí dự án nhà ở xã hội cho thuê, thứ ba là giá cho thuê.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, cũng đồng tình với việc phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Tổng Liên đoàn Lao động rất tâm huyết với việc phát triển dự án nhà ở xã hội cho thuê.
"Tuy nhiên, giải pháp phải làm sao phát triển khu lưu trú nhà ở cho công nhân thu hút được nhà đầu tư tham gia. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế, phí, quỹ đất để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội cho thuê" - ông Trung chia sẻ.
Cần thúc đẩy nhanh pháp lý
Nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu thuê nhà giá rẻ của người lao động thu nhập thấp rất lớn. Ảnh: QH |
Là chủ đầu tư nhà ở xã hội nhiều năm nay, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Thương mại xây dựng Lê Thành ví dụ đầu tư nhà ở xã hội 1.000 căn, 1 căn bán 500 triệu đồng (giá này hiện rất khó có) thì chi phí đầu tư lên tới 500 tỉ đồng. Nếu cho thuê thì giá cho thuê 3-3,5 triệu đồng/tháng, với số lượng 1.000 căn cho thuê, thì chủ đầu tư thu về 3-3,5 tỉ đồng/tháng, 30-35 tỉ đồng/năm.
Nếu chủ đầu tư đi vay thương mại, lãi suất rất cao trên 10-13%/năm, 500 tỉ đồng phải trả lãi 50 tỉ đồng, như vậy chủ đầu tư lỗ. Do đó, cần phải có nhà nước tham gia, ưu đãi về tín dụng, thủ tục.
Hiện chủ đầu tư phải giải bài toán vừa cho thuê dài hạn 49-50 năm, đất vẫn là đất của chủ đầu tư. Hình thức thanh toán linh hoạt trả góp 7 triệu đồng/tháng, 100 tháng thì đủ 700 triệu đồng, tương ứng với giá trị căn cho thuê dài hạn.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho hay hiện nay Luật Nhà ở mới thì việc phát triển nhà ở xã hội cho thuê lại chỉ được hưởng lợi nhuận bằng nhà ở xã hội bán là 10%. Theo quy định mới, nhà ở cho thuê không còn được nhà nước đầu tư kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì làm sao chủ đầu tư dám đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Do đó, nhà ở xã hội cho thuê cần có chính sách về tín dụng ưu đãi, quỹ đất và chính sách thuế cho chủ đầu tư. Đồng thời phải tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho chủ đầu tư nhà ở xã hội bán, cho thuê. Như vậy mới có thể có nguồn cung.
Ông Mai Thanh Tùng - phó trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM - cũng thừa nhận TP.HCM đã rất nỗ lực để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc nên số lượng nguồn cung nhà ở xã hội hoàn thành chưa đạt như kỳ vọng.
Theo ông Tùng, tới đây TP sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, bố trí nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân gần các khu chế xuất, khu công nghiệp. TP sẽ rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp, tham mưu điều chỉnh quy hoạch để xây nhà lưu trú công nhân ngay trong khu đất khu công nghiệp.