Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2020 ước đạt 422,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với tháng trước nhưng tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 334,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng 7/2020; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 974 tỷ đồng, giảm 61,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5%.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng 8 vừa qua có xu hướng giảm so với tháng trước đó
Tính chung 8 tháng của năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.225,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%).
Nếu xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lương thực, thực phẩm tăng 8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,4%; may mặc giảm 0,6%; phương tiện đi lại giảm 2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 4,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước tính đạt 322,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,8%).
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%) do dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa trở lại.
Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng ước tính đạt 335,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Công thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy họat động thương mại và dịch vụ trong thời gian tới
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm 2020, đối với việc phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp phân phối lớn bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối.
Trong đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống và báo cáo phương án cung ứng hàng hóa về Bộ Công Thương.
Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả thị trường quốc tế và trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu trong thời gian trong và sau dịch bệnh theo chỉ đạo.
Mai Quỳnh