Trong thời gian gần đây, nhiều website:https://www.necovietnam.vn, https://www.cstar.vn/ và tài khoản Facebook có tên Nya Chi - được cho là CEO của Công ty TNHH thương mại & dịch vụ C STAR thường xuyên đăng tải các bài viết, các video quảng cáo sản phẩm dùng chăm sóc răng miệng NECO, Cốt Thiên Ngọc NECO có tác dụng trị bách bệnh về răng miệng như: Hôi miệng, sâu răng, viêm lợi, chảy máu chân răng, nấm miệng, viêm amidan, viêm loét miệng. Đáng chú ý nhất là các quảng cáo về “Nước súc miệng họng tiêu diệt virut NECO hay Thương hiệu chăm sóc sức khỏe răng miệng số 1 Việt Nam - nước súc họng diệt khuẩn NECO”.
Sản phẩm dùng chăm sóc răng miệng NECO, Cốt Thiên Ngọc NECO “nổ” công dụng kháng khuẩn trực tiếp, ngăn ngừa dịch bệnh |
Trên phiếu công bố sản phẩm do Sở Y tế Hà Nội cấp, sản phẩm xịt họng NECO, Cốt Thiên Ngọc NECO là dạng sản phẩm chăm sóc răng miệng, thơm miệng…thế nhưng những quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, nước xịt họng NECO được nổ như thần dược và vượt qua mọi tiến bộ của y học, chữa được bách bệnh, ngăn được virus.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tâm lý người dân có phần hoang mang, Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đang tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đưa ra các hướng điều trị và các biện pháp hỗ trợ cho người dân trong phòng dịch. Lợi dụng điều này, một số cá nhân, doanh nghiệp làm ăn không “đàng hoàng” đã quảng cáo hoặc “lập lờ đánh lận con đen” các sản phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… có tác dụng ngăn ngừa virus để trục lợi.
Hầu hết các chiêu trò đều đánh vào tâm lý hoang mang của người dân, đối với sản phẩm này, đơn vị phân phối đã lợi dụng dịch bệnh quảng cáo, trong đó sản phẩm nước súc họng NECO còn được mô tả với công dụng diệt virus hay ‘khắc tinh’ các bệnh về răng miệng.
Sản phẩm dùng chăm sóc răng miệng NECO, Cốt Thiên Ngọc NECO “nổ” như thuốc chữa bệnh |
Để tạo thêm niểm tin với khách hàng, Công ty TNHH thương mại & dịch vụ C STAR còn đưa ra hình ảnh bà Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Chuyên gia đầu ngành về Tai Mũi Họng - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương - Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em hay những người nổi tiếng Diễn viên Lương Thế Thành & Thúy Diễn tin dùng… nhằm để bán Sản phẩm dùng chăm sóc răng miệng NECO, Cốt Thiên Ngọc NECO.
Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản phản hồi báo chí về vấn đề trên: “Sản phẩm có tên NECO được Sở Y tế Hà Nội cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 8472/20/CBMP-HN ngày 18/11/2020. Đơn vị sản xuất là Công ty TNHH dược mỹ phẩm quốc tế SAYOBE (thôn Đỗ Quan, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội). Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường: Công ty TNHH thương mại & dịch vụ C STAR (228 Lệ Ninh kéo dài, phường Quản Bàu, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Theo hồ sơ công bố sản phẩm NECO nộp tại sở Y tế Hà Nội thì sản phẩm không có tính năng, công dụng như nội dung quảng cáo trên mạng xã hội nêu trên”.
Sản phẩm dùng chăm sóc răng miệng NECO, Cốt Thiên Ngọc NECO vi phạm việc sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ quảng cáo |
Trước đó, ngày 21/5/2021, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương đã ký ban hành công văn số 338/VHCS- QCTT về nội dung kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ, trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạnh, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng. Nhằm kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện, đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Trong quá trình các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Chúng tôi tiếp tục thông tin.
Theo quy định, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Quy định tại điểm 1.6 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo Điều 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm phải có các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế và không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Tại Khoản 4, Điều 68, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. |