Quốc hội "chốt" dự toán ngân sách nhà nước 2021 Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ KH&CN và Thống đốc NHNN Quốc hội thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam |
![]() |
Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh |
Tại phiên thảo luận, có 09 đại biểu Quốc hội phát biểu; sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 26/10/2020 và buổi sáng ngày 12/11/2020 đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, các ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tên gọi, phạm vi và nội dung dự thảo Nghị quyết. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung sau:
Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết: Các đại biểu Quốc hội tán thành không thực hiện thí điểm Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên các căn cứ sau: Thứ nhất, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Thứ hai, trước đây thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm 06 năm theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội khóa XII và được đánh giá có kết quả tốt;
Thứ ba, do thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nên việc ban hành Nghị quyết này sẽ phù hợp với chủ trương của Đảng về việc không mở rộng thí điểm mô hình, tổ chức và phù hợp với Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh Quốc hội |
Về trình tự, thủ tục: Các đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết và đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách lên khoảng 19 người.
Về căn cứ pháp lý quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận: Để tăng cường kiểm soát quyền lực, việc Hội đồng nhân dân thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận là cần thiết và sẽ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Về những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội đồng nhân dân: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Về tên gọi, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với tên gọi Ủy ban nhân dân quận, phường như đề xuất của Chính phủ.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh: Có ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc thành phố như trong Dự thảo Nghị quyết và không làm thí điểm, không thành lập Hội đồng nhân dân phường, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Về hiệu lực thi hành: Các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021 và triển khai thực hiện từ 01/7/2021.
Sắp tới đây, cơ quan trình dự thảo Nghị quyết sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục hoàn thiện các nội dung, các thủ tục để trình Chủ tịch Quốc hội sớm ban hành nghị quyết này. Bộ Nội vụ sẽ trình với Chính phủ ban hành một nghị định về tổ chức chính quyền đô thị cho Thành phố Hồ Chí Minh để có hiệu lực từ ngày 01/01/20120 và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/7/2021.