Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường |
Tại phiên họp bất thường sáng 4/6, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã có báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Trong Báo cáo thẩm tra phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày đã khẳng định, về thẩm quyền đối với nguồn tăng thu, số tiết kiệm chi thường xuyên của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và nguồn kinh phí chi cho phòng, chống dịch và mua vắc xin chưa sử dụng hết, căn cứ khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 30 của Quốc hội, việc Chính phủ xây dựng phương án sử dụng đối với số tăng thu tiết kiệm chi và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền.
Đối với nguồn tiết kiệm chi từ trả nợ lãi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng thực chất đây không phải là nguồn tiết kiệm chi do cắt giảm nhiệm vụ chi, mà là khoản do chưa phải trả nợ lãi theo dự kiến.
Do vậy, tương tự như nói với nguồn cắt giảm chi, đề nghị hủy dự toán không sử dụng cụ nguồn này để bố trí cho các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật ngân sách nhà nước. Trong trường hợp cần thiết phải bố trí nguồn cho mục tiêu, nhiệm vụ khác, đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với kinh phí thường xuyên các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia bố trí lĩnh vực năm 2020 chưa phân bổ, Chính phủ kiến nghị được cắt giảm dự toán, giảm bội chi ngân sách trung ương năm 2021 theo quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật Ngân sách nhà nước. Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất này và đề nghị Chính phủ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khi xem xét, quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng khẳng định, về nguyên tắc phân bổ sử dụng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy phương án phân bổ Chính phủ trình chưa bảo đảm đúng quy định về thứ tự ưu tiên theo quy định tại Khoản 2, Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước quy định về sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi.
Toàn cảnh Phiên họp |
Về phương án phân bổ đối với số tăng thu, tiết kiệm chi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, phương án Chính phủ trình chưa đảm bảo đúng quy định tại khoản hai Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước. Do vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng phương án phân bổ số tăng thu, tiết kiệm, chi đúng quy định pháp luật đối với dự kiến một số nội dung cụ thể tại Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với phương án của Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện một số nhiệm vụ: Bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; Bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2022 phấn đấu tăng thu góp phần tăng nguồn lực bố trí cho quỹ dự trữ tài chính; Hỗ trợ tỉnh Tiền Giang bù hụt thu cân đối ngân sách địa phương; Bổ sung nguồn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; Thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho các địa phương.
Riêng việc bố trí vốn cho cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội có hai loại ý kiến.
Thứ nhất, cho rằng đây là dự án trọng điểm quan trọng, có tính kết nối giao thông, tạo sự phát triển kinh tế xã hội lan tỏa giữa các vùng miền. Việc thực hiện dự án này là cần thiết nhưng cần cân nhắc khi bố trí từ nguồn tăng thu năm 2021 và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí cho 3 dự án này từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Thứ hai, cho rằng việc bố trí vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 là một phần trong dự kiến nguồn lực cho 3 dự án giai đoạn 2021-2025 phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư công về các hành vi bị cấm. Do vậy, việc xác định bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 là cần thiết và nhất trí với phương án của Chính phủ trình. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sát sao hả cho các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và cần có chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ.
Đối với nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 cho phòng, chống dịch và mua vắc xin, đa số ý kiến của Uỷ ban nhất trí cho phép chuyển nguồn sang dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện việc phòng, chống dịch Covid - 19 và mua vắc xin theo đề nghị của Chính phủ./.