Philippines quyết định không gia hạn biện pháp tự vệ đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam từ sau ngày 22/10/2022. |
Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 5/10, Ủy ban Thuế quan Philippines (TC) đã ban hành kết luận cuối cùng về vụ việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với xi măng Type 1 (mã AHTN 2523.29.90) và xi măng Type 1P (mã AHTN 2523.90.00).
Theo đó, TC kết luận trong thời kỳ rà soát, xi măng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, không gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất xi măng của Philippines.
Căn cứ kết luận điều tra và kiến nghị của TC, Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines quyết định không gia hạn biện pháp tự vệ. Thuế tự vệ đối với xi măng nhập khẩu vào Philippines sẽ hết hạn vào 22/10/2022. Và Philippines không gia hạn biện pháp tự vệ đối với xi măng nhập khẩu.
Trước đó, sau quá trình điều tra Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) kết luận lượng nhập khẩu xi măng đã gia tăng đột biến, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra.
Để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, đầu năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 8,40 Php/túi 40kg, tương đương khoảng 4 USD/tấn đối với xi măng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Trước đó, lượng xi măng Việt Nam nhập khẩu vào Philippines quá lớn, gây thiệt hại cho sản xuất nội địa, nước này đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với xi măng Việt Nam.
Philippines cho rằng, sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất xi măng tại Philippines, thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận, cũng như giá bán của xi măng nội địa.
Hiện, Trung Quốc và Philippines vẫn là 2 thị trường xuất khẩu chính của xi măng, clinker của Việt Nam. Tuy nhiên, tại cả 2 thị trường này, mức nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam đều sụt giảm trong năm 2022.
Nguyên nhân do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero Covid" cùng đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm khiến sản lượng tiêu thụ xi măng cũng giảm mạnh trong thời gian qua.
Đối với thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng cao, cộng với tác động từ biện pháp phòng vệ thương mại mà nước này áp dụng với xi măng nhập từ Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng qua, sản lượng xuất khẩu toàn ngành đạt gần 26 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, giảm lần lượt 30% về lượng và 19,6% về trị giá so với cùng kỳ.