Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian bị thẻ vàng, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.
Sau 2 năm EC cảnh báo thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và gần 372 triệu USD trong năm 2019 (giảm 5% so với năm 2018). So với năm 2017, xuất khẩu hải sản sang EU năm 2019 giảm 10,3%, trong đó giảm sâu nhất là mực, bạch tuộc (-37%). Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, thị trường EU đã xuống vị trí thứ 5 và tỷ trọng thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%. Thẻ vàng đã tác động xấu và trực tiếp tới xuất khẩu hải sản. Nhiều khách hàng truyền thống của thủy sản Việt Nam tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định chống khai thác IUU của EC nên giảm hoặc ngừng nhập khẩu hải sản của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, qua kiểm tra EC đánh giá cao những việc Việt Nam đã làm được và đã có chuyển biến rất tích cực về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra những “nút thắt” mà Việt Nam phải tháo gỡ để sớm lấy lại “thẻ xanh”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh TTXVN
Do dịch Covid-19 nên lần thanh tra thứ 3 năm nay EC đã làm việc trực tuyến thay vì đến Việt Nam thanh tra trực tiếp. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, những việc Việt Nam đã thực thi được EC đánh giá rất cao như: Xây dựng hệ thống pháp luật, tàu cá Việt Nam không vi phạm các quốc đảo. Việt Nam cũng tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Tàu cá đã từng bước được quản lý; tổ chức truy suất nguồn gốc. EC đánh giá Việt Nam đã có chuyển biến rất tích cực trong việc khắc phục “thẻ vàng” những năm gần đây.
Tuy nhiên, qua thanh tra, EC đã chỉ ra những nút thắt mà Việt Nam phải gỡ bỏ. Đó là nếu còn tàu vi phạm thì rất khó gỡ “thẻ vàng” và việc quản lý tàu cá vẫn còn bất cập. “78% tàu cá lắp được thiết bị định vị, 70% tàu được sơn màu. Những việc này chúng ta còn chậm và cần tập trung triển khai”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Việt Nam đã có sự quản lý tàu cá. Tuy nhiên, 14 hành vi vi phạm về IUU chúng ta phải rà soát rất kỹ. Chẳng hạn, quy định việc khai thác ở vùng lộng, vùng ven bờ hay vùng khơi là tàu chỉ được khai thác ở vùng đó. Không như trước đây, tàu khai thác vùng khơi có thể vào vùng lộng hay ven bờ. Về vấn đề này, các tỉnh cũng chưa quán triệt được kỹ lưỡng nên việc quản lý đội tàu đánh bắt đúng khu vực đang còn bất cập.
Với truy suất nguồn gốc, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến không chỉ hiểu đơn giản là chỉ có xuất khẩu đi châu Âu. Sản lượng khai thác ở vùng biển, vị trí, thời gian thế nào... phải có nhật ký. Sản lượng đó xuất khẩu đi các thị trường bao nhiêu, còn lại bao nhiêu. Việc này Việt Nam đang làm rất tích cực nhưng cần phải cố gắng. Các địa phương cũng đã vào cuộc nhưng để làm thực sự chi tiết như yêu cầu của EC thì còn phải cố gắng.
Trong thực thi pháp luật, các ngành chức năng đã thực hiện việc rà soát, kiểm tra, thanh tra rất chặt chẽ. Số tiền phạt tương đối lớn nhưng những hành vi vi phạm IUU còn xảy ra.
Nút thắt nào khiến Việt Nam chưa thể gỡ thẻ vàng IUU?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, có 4 “nút thắt” lớn để gỡ "thẻ vàng" đó là: Tàu không vi phạm, quản lý đội tàu, truy suất nguồn gốc và thực thi pháp luật.
Thực tế việc quản lý tàu hay truy suất nguồn gốc tại nhiều địa phương vẫn còn khá bất cập. Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá rất nhiều địa phương chưa thực hiện đúng lộ trình đã quy định.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, về quản lý đội tàu, so với các nước xung quanh việc lắp thiết bị giám sát hành trình Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn do có lượng tàu lớn với trên 30.000 tàu. Những tàu cá có chiều dài trên 24m đã lắp đạt đạt trên 90%; số còn lại ngành đang rà soát. Cùng với đó là việc đóng dấu tàu cá cũng đang được triển khai tích cực.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Luân cũng thừa nhận, vẫn có nhiều tỉnh sự quan tâm chỉ đạo chưa quyết liệt. Ông Trần Đình Luân mong muốn, các địa phương có sự quan tâm một cách đúng mức để sớm kiểm soát được đội tàu, hoạt động tại cảng cá, quá trình lưu thông hàng hóa nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản đảm bảo nguồn gốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 81/CV-TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Các địa phương cũng thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Công điện, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu cần tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ 1/1/2019 nên các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thậm chí là xử lý hành chính để làm sao Luật đi vào cuộc sống, thực thi tốt nhiệm vụ và gỡ “thẻ vàng” trong thời gian ngắn nhất.
Hà Linh