Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang |
Tham gia thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thống nhất với sự cần thiết sửa đổi dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 12 năm thi hành.
Góp ý vào một số nội dung cụ thể, tại Điều 3 về giải thích từ ngữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung từ “tổ chức” vào khoản 1, bởi người tiêu dùng không chỉ là một cá nhân mà còn có tổ chức, hộ gia mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt.
Tại Điều 16 nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định.
Bởi trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cũng đề xuất xem xét bổ sung quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những thông tin mình đưa ra và nếu để xảy ra thiệt hại đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh từ việc đưa thông tin sai sự thật thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
"Quy định như vậy sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua bán và sử dụng hàng hóa sản phẩm, dịch vụ", đại biểu Triệu Thị Huyền nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 2/11, thảo luận tại tổ về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), cho rằng trong quan hệ mua bán thì người tiêu dùng được xem như thượng đế, nhưng sau khi mua hàng lại thành "nô lệ", Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục được những bất cập mà quy định cũ chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trước những thông tin quảng cáo của người nổi tiếng |
"Đơn cử như trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng lỗi hay có vấn đề về chất lượng, nhưng lại ngại hoặc không khiếu nại. Nếu điều này cứ tiếp diễn sẽ gây hại cho xã hội một cách nghiêm trọng”, ông Sơn nói và lý giải.
Đại biểu Sơn cho rằng cũng có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi. Dẫn tới người tiêu dùng có tâm lý là công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Cộng thêm chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên người tiêu dùng cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại.
"Chính nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa làm tốt, nên chỉ làm hại cho người tiêu dùng. Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của người tiêu dùng, nên cần phải chấn chỉnh", đại biểu Sơn nêu vấn đề.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 10/11 |
Góp ý Điều 20 trách nhiệm bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, đại biểu cho rằng quy định chưa rõ ràng, khó khăn khi áp dụng trong thực hiện. Bởi vì không rõ về tiêu chí để tổ chức, cá nhân kinh doanh có cơ sở xác định được sự phù hợp của hàng hóa, dịch vụ đối với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất, bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính.
Tại Điều 21 trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch trung cho người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị xem xét quy định nội dung này cho thống nhất, phù hợp với quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Điều 38 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng, theo đó nội dung quy định tại điểm a, khoản 1 của dự thảo luật đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, bổ sung thêm nội dung công khai mã số đăng ký kinh doanh của công ty hoặc hộ kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có giao dịch từ xa với người tiêu dùng để bảo đảm thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh được đầy đủ. Như vậy, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước…