Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn |
Tràn lan quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng kém chất lượng trên không gian mạng
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm đến vấn đề quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên không gian mạng, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích người tiêu dùng.
Chia sẻ những khó khăn thuộc về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông khi triển khai chuyển đổi số và xã hội số, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh vấn đề các quảng cáo về thực phẩm chức năng chạy trên các nền tảng số, có những nội dung, hình ảnh không phù hợp lứa tuổi, thuần phong mỹ tục, xuất hiện thường xuyên trên các trang thông tin điện tử, thậm chí trên chính các báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình.
Cho rằng công tác kiểm soát, quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với vấn đề này còn lơi lỏng, chưa chặt chẽ, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể cho vấn đề này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Trước đó, vấn nạn này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến tại những phiên họp tổ. Đại biểu Bùi Hoài Sơn- Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan này dẫn đến tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng lỗi hay có vấn đề chất lượng, song lại ngại và không khiếu nại. Thực tế, nhận thức về việc đi đòi quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế, nên người tiêu dùng đã không thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng cũng có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi. Dẫn tới người tiêu dùng có tâm lý là công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Cộng thêm chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên người tiêu dùng cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, có những hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất, cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được. Đại biểu đề nghị cần có quy định của pháp luật để lường trước và giải quyết khó khăn vướng mắc, bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng trong những trường hợp này.
Cần kiểm soát các cửa hàng "ảo" trên mạng
Phản ánh vấn đề này tại phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cũng cho biết, hiện nay trên không gian mạng có nhiều quảng cáo nói quá sự thật, lạm dụng thuật ngữ chuyên môn để thu hút khách hàng, hứa hẹn về những tác dụng thần kỳ, chẳng hạn như dịch vụ làm đẹp bằng tế bào gốc, với giá cả lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo đại biểu, việc làm đẹp, trẻ hóa làn da bằng tế bào gốc còn rất mơ hồ nhưng nhiều nơi đã đưa vào áp dụng. Vì vậy, cần có biện pháp rõ ràng, thực chất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho biết, trên không gian mạng, việc quảng cáo thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng trở nên tinh vi đến nỗi một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc này đã được cấp phép, chứng nhận.
Từ kinh nghiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề hóc búa nhất liên quan đến bán hàng online, kiểm soát các cửa hàng "ảo" trên mạng, đặc biệt với thực phẩm.
Cần phải bị xử lý mạnh đối với việc quảng cáo sản phẩm khi không biết rõ chất lượng
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương |
Bày tỏ quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc lấy hình ảnh của người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào cần phải bị xử lý mạnh. Bởi sử dụng hình ảnh của họ mà không được phép để quảng cáo sản phẩm có thể làm oan người có ảnh hưởng.
Thông thường, tâm lý người tiêu dùng tưởng người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt thật nên tin tưởng mua và vô tình ‘tiền mất tật mang”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn |
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận Facebook, YouTube hay các nền tảng xuyên quốc gia khác đang là nơi xuất hiện phổ biến nội dung quảng cáo không theo mong muốn. Tuy nhiên, việc nền tảng hoạt động dựa trên thuật toán khiến cơ quan quản lý rất khó phát hiện. Bản thân người dùng cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn lưu bằng chứng hoặc phản ánh. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có công cụ để phát hiện các quảng cáo mang tính đối tượng này.
Trong quá trình rà soát thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube. Thậm chí, một số nhãn hàng có hành vi cắt ghép các bản tin của đài, báo thành quảng cáo thực phẩm chức năng. Bộ trưởng khẳng định đây là trường hợp vi phạm pháp luật và sẽ được tổng hợp để gửi Bộ Công Thương, Bộ Y tế nhằm phối hợp xử lý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, trong công tác chứng thực thông tin, kiểm định chất lượng với những mặt hàng mang tính chất đặc thù, chuyên môn này, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các Bộ, ban ngành chuyên môn để cùng chung tay để xử lý vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới.