Quang cảnh Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8 |
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 7 thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo và học tập kinh nghiệm quốc tế; tổ chức làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đoàn ĐBQH và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Đắk Nông để góp ý cho dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) báo cáo UBTVQH một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo cùng Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiến hành rà soát 46 Luật có liên quan, trong đó có các Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thương mại, Quy hoạch, Xây dựng… Kết quả rà soát cho thấy không có sự chồng chéo về phạm vi quản lý và không ảnh hưởng đến việc quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản.
Dự thảo Luật điều chỉnh các loại khoáng sản, trừ dầu khí, các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã bao hàm đầy đủ các đối tượng, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý. Việc quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có những khó khăn, thách thức nhất định. Tuy nhiên, cần thiết phải đưa vào đối tượng điều chỉnh để bảo đảm chủ quyền quốc gia đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở khu vực này. Đề nghị Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để ban hành quy định hướng dẫn thực hiện các giải pháp quản lý phù hợp, khả thi.
Về phân nhóm khoáng sản (Điều 7), tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại khoản 2 Điều 7 đã quy định giao Chính phủ quy định danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng. Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều được dự thảo Luật giao, có kèm theo danh mục khoáng sản theo từng nhóm và sẽ rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I và các khoáng sản nhóm III sẽ được nêu cụ thể trong danh mục này. Do vậy, sẽ bảo đảm không có sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản, không có khoảng trống pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung xây dựng 02 phương án để tiếp tục xin ý kiến. Trong đó, đối với trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 15 theo 02 phương án:
Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội).
Phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đồng ý theo Phương án 2. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT sẽ phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các điều 13, 14, 15 và khoản 3 Điều 115 của dự thảo Luật.
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, có một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch, nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 16 theo 02 phương án:
Phương án 1: Việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch.
Phương án 2: Dự thảo Luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản. (nội dung này được thể hiện tại Điều 16 và Điều 115).
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đồng ý theo Phương án 2. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT sẽ phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các điều 16, 46, 58, 76 và khoản 5 Điều 115 của dự thảo Luật.
Giải trình, tiếp thu quy định về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản (Điều 53), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia như Luật Khoáng sản năm 2010.
Về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản (Điều 63), tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 2 theo hướng đã quy định các yêu cầu về kỹ thuật an toàn đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Đồng thời, tại khoản 7, khoản 8 đã giao Bộ Công Thương, Chính phủ quy định chi tiết. Các nội dung cụ thể sẽ được quy định tại văn bản hướng dẫn chi tiết.
Đại biểu tham dự Phiên họp |
Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc, bất cập hiện nay liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Với quy định này, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan tới trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, hoặc trong quá trình khai thác không thể khai thác hết, hoặc trường hợp vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác. Theo đó, đã tháo gỡ bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010, bảo đảm tính khả thi của chính sách về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đối với quy định về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 104), tiếp thu ý kiến của ĐBQH về thu hẹp phạm vi, đối tượng khu vực không đấu giá, theo đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý tại khoản 2 Điều 104.
Theo đó, các khu vực được xác định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm: các loại khoáng sản bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng; khoáng sản được xác định phục vụ cho các nhà thầu thi công các dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 75 (để bảo đảm nguồn vật liệu thi công cho các dự án); các khu vực khoáng sản do các tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản (để bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân đã cung cấp kinh phí cho các đề án điều tra) và các trường hợp thu hồi khoáng sản theo các dự án đầu tư xây dựng (là các trường hợp không phải vì mục đích khai thác khoáng sản).
Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bỏ quy định tiêu chí khu vực không đấu giá tại điểm b khoản 2 Điều 104 là “khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản”.
Liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít, qua phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy: sau khi rà soát, chỉnh lý, dự thảo Luật đã có một số quy định (có nội dung liên quan đến Luật Đất đai) để giải quyết các vướng mắc (2), (3) và (5). Đối với vướng mắc (1), liên quan đến phương án được lựa chọn quy định tại Điều 16 dự thảo Luật (mục 3.2). Đối với vướng mắc (4), hiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản không xử lý được vấn đề này vì chưa có quy định khả thi, phù hợp thực tiễn; do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung này (xem Phụ lục).
Về các nội dung trong Luật Khoáng sản năm 2010 được rà soát theo nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, theo kết quả rà soát về mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật theo nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, có 04 nội dung trong Luật Khoáng sản năm 2010. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý các quy định đã tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến 04 nội dung theo yêu cầu.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH; thể hiện lại văn phong, sắp xếp bố cục dự thảo Luật cho khoa học và hợp lý hơn.