Dự án Luật Địa chất và khoáng sản được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ tiếp tục được lấy ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 |
Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật Khoảng sản năm 2010 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nên cần được điều chỉnh, bổ sung để Luật phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhưng cũng đảm bảo hiệu quả hơn trong công tác quản lý về lĩnh vực này. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, ĐBQH đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản là quy định mức giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 106). Theo đó, giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đóng góp ý kiến về giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Xuân Ba, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét sửa đổi khoản 1 Điều 106 dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản thành: “Giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.
Lý do đề nghị sửa đổi là theo Điều 4 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định như sau:
Thứ nhất, giá khởi điểm do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản quyết định trước khi tổ chức đấu giá.
Thứ hai, giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Thứ ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Xuân Ba, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, quy định hiện tại là giá khởi điểm không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác, trong khi dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản lại quy định bằng tiền cấp quyền khai thác là chưa phù hợp. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hơn về nội dung này.
Qua thực tiễn nghiên cứu, áp dụng Luật khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Văn phòng Luật sư AIC Lawyers & Consultants nhận thấy còn có nội dung tồn đọng như: Mức giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn thấp do căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp và bám sát giá trị thực tiễn của khoáng sản trên thị trường. Do tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định thấp như phân tích trên dẫn tới giá khởi kiểm tại các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng bị xác định thấp. Vì vậy, có thể dẫn đến giá trúng đấu giá thấp.
Ngoài ra, trường hợp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không phù hợp với giá trị thực tế của khoáng sản còn dẫn đến phí cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực không đấu giá cũng sẽ thấp. Như vậy, với căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành có thể dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước.
Còn theo khoản 1 Điều 106 của dự án Luật Địa chất và khoáng sản, giá khởi điểm trong đấu giá được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Về cách xác định mức thu tiền cấp khoáng sản ở khu vực không đấu giá hiện tại dự thảo Luật chưa có quy định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nếu áp dụng công thức tại Nghị định 67/2019/NĐ- CP ngày 31/7/2017, Thông tư số 05/2020/TT-BTC ngày 20/01/2020 đã trích dẫn ở trên thì giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn rất thấp do hệ số đại lượng G – Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn chưa phù hợp và bám sát giá trị thực tiễn của khoáng sản trên thị trường, khung giá làm căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác này vẫn chưa thay đổi từ năm 2020 cho đến nay. Điều này có thể dẫn đến Giá trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thấp, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Từ những phân tích trên, ông Lê Thanh Sơn đưa ra đề xuất mức giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải căn cứ vào giá thị trường trong khu vực hoặc quốc tế đối với loại khoáng sản đó tại thời điểm đấu giá. Cụ thể: Quy định đại lượng G – giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp với giá trị thực tế của khoáng sản trên thị trường. Quy định hệ số R – mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam.
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định hướng dẫn “giá khởi điểm đấu giá thấp nhất bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 54 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn là “bằng tiền khai thác khoáng sản”. Còn theo Điều 106 dự án Luật Địa chất và khoáng sản, giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, với quy định trên, mức giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa thể khắc phục được tình trạng thất thoát nguồn thu từ khai thác khoáng sản để nộp vào ngân sách Nhà nước. Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu kỹ về nội dung này. Đặc biệt, vấn đề đấu giá gì, không đấu giá gì và đấu giá như thế nào thì Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và khoáng sản cần thu thập thêm ý kiến của nhiều chuyên gia để có sự bổ sung, điều chỉnh hợp lý vào trong dự án Luật./.