Giá lúa gạo giảm sâu, nông dân lo mất Tết, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp gì? Tìm giải pháp bền vững cho gạo Việt Vì sao giá gạo Việt Nam xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất thế giới? |
![]() |
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong ba năm qua. |
Theo cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tiếp tục lao dốc kể từ tháng 12/2024. Ngày 12/2, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 397 USD/tấn, thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan (425 USD/tấn), Ấn Độ (413 USD/tấn) và Pakistan (402 USD/tấn).
Đối với gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 372 USD/tấn, ngang bằng với Pakistan nhưng thấp hơn Thái Lan 34 USD/tấn và Ấn Độ 22 USD/tấn.
Như vậy, so với mức đỉnh 700 USD/tấn vào giữa tháng 8/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong ba năm qua.
Theo bà Phan Mai Hương, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, nguyên nhân chính khiến giá gạo tăng mạnh trong năm 2023 và nửa đầu 2024 là do Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – tạm dừng xuất khẩu. Khi nước này quay lại thị trường vào tháng 9/2024, nguồn cung toàn cầu trở nên dồi dào, kéo giá gạo thế giới xuống thấp.
Thực tế, sự sụt giảm giá gạo không phải là điều bất ngờ mà đã được dự báo từ cuối năm 2024. Sau thời gian dài ngừng xuất khẩu, Ấn Độ đã xả kho với mức giá cạnh tranh, tạo áp lực lên thị trường chung. Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo ở các nước khác cũng thuận lợi, dự kiến sản lượng năm 2025 sẽ tăng so với năm trước.
Điều này dẫn đến tâm lý "găm hàng" của các nhà nhập khẩu. Khi nguồn cung được đảm bảo, họ không vội vàng ký hợp đồng mua gạo mà chờ đợi giá tiếp tục giảm sâu. Hành động này có thể gây ra những tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các nước có giá gạo cao hơn so với Ấn Độ.
Điều đáng nói, dù giá xuất khẩu giảm mạnh nhưng giá lúa gạo ở các chợ lẻ vẫn “neo” ở mức cao.
![]() |
Giá lúa gạo ở các chợ lẻ vẫn “neo” ở mức cao. Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, Tại TP HCM, gạo nở giữ mức 17.000 đồng một kg, gạo thơm Mỹ 19.000 đồng, còn nàng hoa, tám bắc, thái sữa dao động 23.000-24.000 đồng một kg, gần như không đổi so với đỉnh giá năm ngoái. Ở Hà Nội, giá lài nhật ở mức 22.000 đồng một kg, tám điện biên 19.000 đồng, tám thái 20.000 đồng, trong khi ST25 dao động 25.000-30.000 đồng tùy vùng trồng.
Nguyên nhân chủ yếu do chuỗi cung ứng gạo nội địa có độ trễ nhất định so với thị trường xuất khẩu. Ông Hoàng, chủ cửa hàng gạo tại Gò Vấp (TP HCM), cho biết các đại lý đã nhập hàng từ khi giá cao nên chưa thể điều chỉnh ngay. "Khi nguồn hàng cũ tiêu thụ hết và tôi nhập lô mới với giá thấp hơn, giá bán lẻ mới giảm dần," ông nói.
Ngoài ra, các chi phí liên quan như vận chuyển, lưu kho, nhân công đều tăng khiến giá khó giảm nhanh. Ông Phan Thành Trung, đại lý gạo tại quận Tân Bình, cho rằng ngay cả khi giá nhập vào có xu hướng giảm, các khoản phí cố định khiến việc hạ giá ngay là không khả thi. "Hao hụt trong quá trình bảo quản cũng là yếu tố khiến nhiều cửa hàng phải giữ giá," ông phân tích.
Với mặt hàng lúa tươi, theo cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, hiện giá lúa IR 50404 dao động ở mức 5.200 - 5.400 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 dao động ở mốc 6.500 – 6.700 đồng/kg; lúa OM 5451 giảm 100 đồng/kg dao động mốc 5.800 - 6.000 đồng/kg; lúa OM 380 ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg; lúa OM 18 dao động ở mốc 6.500 - 6.700 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến giảm diện tích trồng lúa xuống 7 triệu ha, giảm 132.000 ha so với năm trước. Dù năng suất tăng nhẹ lên 61,6 tạ/ha, sản lượng lúa vẫn giảm khoảng 357.000 tấn, còn 43,14 triệu tấn. Xuất khẩu gạo năm 2025 dự báo đạt 7,5 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2024, phản ánh sự dịch chuyển trong cán cân cung - cầu.
Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025 sẽ đạt kỷ lục 527,6 triệu tấn nhờ sản lượng tăng ở Ấn Độ và Trung Quốc. Dù tiêu thụ cũng tăng lên 526,4 triệu tấn, cung vượt cầu giúp thị trường chuyển từ thâm hụt sang thặng dư sau ba năm thiếu hụt. Xuất khẩu gạo toàn cầu dự kiến đạt 56,3 triệu tấn. Lượng tồn kho toàn cầu đạt 182,5 triệu tấn, cao nhất từ niên vụ 2021-2022, với phần lớn thuộc về Ấn Độ.
Thị trường lúa gạo thế giới cũng chịu tác động từ nguồn cung tăng mạnh. Mỹ dự báo sản lượng gạo nội địa đạt mức cao nhất trong 5 năm, trong khi Thái Lan và Pakistan mở rộng diện tích canh tác. Ngân hàng Thế giới dự đoán giá gạo có thể tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2025 trước khi ổn định vào cuối năm, tạo thách thức lớn cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
![]() |
![]() |
![]() |