Sắp xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc Việt Nam xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc Tổ yến: Ai nên dùng, ai cần tránh? |
![]() |
Ngành yến Việt Nam vào “đường đua” tỷ đô sau Nghị định thư với Trung Quốc |
Siết chặt điều kiện, mở rộng cơ hội
Năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc lần đầu ký kết Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm tổ yến. Từ thời điểm đó đến nay, chỉ có 13 doanh nghiệp Việt Nam được phía Trung Quốc phê duyệt, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang thị trường này. Kết quả bước đầu ghi nhận hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến được xuất khẩu, với tổng giá trị vượt 4 triệu USD.
Đến tháng 4-2025, sau những nỗ lực đàm phán không ngừng của cơ quan chức năng, hai nước đã ký kết Nghị định thư mới, thay thế văn bản cũ từ năm 2022. Điểm khác biệt lớn của Nghị định thư lần này là việc mở rộng phạm vi cho phép xuất khẩu, bao gồm cả tổ yến tinh chế và tổ yến thô.
Một yêu cầu kỹ thuật mới đáng chú ý được Trung Quốc đưa vào là tổ yến phải được xử lý ở nhiệt độ tối thiểu 70 độ C trong ít nhất 3,6 giây, nhằm đảm bảo tiêu diệt virus cúm gia cầm và Newcastle – hai tác nhân gây bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cảnh báo có nguy cơ lây lan từ môi trường nuôi yến.
Ngoài ra, Nghị định thư 2025 cũng chính thức áp dụng tiêu chuẩn dư lượng nhôm, với giới hạn không vượt quá 100mg/kg sản phẩm khô. Đây là quy định chưa từng có trong Nghị định thư năm 2022, xuất phát từ lo ngại một số doanh nghiệp sử dụng hóa chất tẩy trắng có chứa nhôm để làm sạch và làm sáng tổ yến. Theo bà Đỗ Thị Thu Phương – đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà còn với cả các nước xuất khẩu yến khác như Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh các chỉ tiêu kỹ thuật, doanh nghiệp xuất khẩu cũng buộc phải có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với từng lô hàng. Điểm thuận lợi là các lô hàng không cần giấy chứng nhận xuất xứ, qua đó đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tăng minh bạch, chuẩn hóa sản xuất và truy xuất nguồn gốc
Nghị định thư 2025 không chỉ siết chặt về kỹ thuật sản phẩm mà còn nâng cao yêu cầu minh bạch trong toàn chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp phải khai báo đúng năng lực sản xuất thực tế. Nếu có sự chênh lệch lớn giữa công suất đăng ký và khả năng vận hành thực tế – ví dụ khai năng suất hàng chục tấn nhưng chỉ có cơ sở nhỏ lẻ – sẽ bị đánh giá là khai báo không trung thực và có nguy cơ bị loại khỏi danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng trở thành tiêu chí bắt buộc sau khi phía Trung Quốc ghi nhận một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam khai báo sản lượng sai lệch hoặc dùng nguyên liệu yến nhập khẩu giá rẻ để “lách” kiểm dịch.
Đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y, ông Dương Tất Thắng, nhấn mạnh: để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, quy hoạch vùng nuôi rõ ràng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia. Cùng với đó là việc hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng công nghệ và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm.
![]() |
Một trong những khó khăn hiện nay là phần lớn các nhà nuôi yến vẫn chưa được cấp phép xây dựng chính thức. |
Một trong những khó khăn hiện nay là phần lớn các nhà nuôi yến vẫn chưa được cấp phép xây dựng chính thức. Ngoài ra, công tác kiểm dịch động vật cần được tháo gỡ rào cản để đồng bộ với yêu cầu xuất khẩu.
Bà Trần Thị Thu Phương – Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Chăn nuôi và Thú y – cho biết, hệ thống phòng thí nghiệm trong nước đã chuẩn bị xong các quy trình kiểm nghiệm chỉ tiêu nhôm, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc. "Hiện nay, các phòng thí nghiệm của chúng tôi đã hoàn toàn có thể xét nghiệm chỉ tiêu nhôm theo đúng tiêu chuẩn", bà Phương chia sẻ.
Cạnh tranh ngay từ thị trường nội địa
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu yến Avenest – chi phí giám sát định kỳ về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm đang là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt khi mức độ kiểm tra được yêu cầu tăng cao. Trong khi đó, Trung Quốc – thị trường tiêu thụ lớn – vẫn đang so sánh giá tổ yến Việt với sản phẩm từ Malaysia và Indonesia, khiến áp lực cạnh tranh càng thêm gay gắt.
Ông Hồng Đinh Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam – cho rằng, dù nhu cầu tiêu thụ tổ yến thô tại Trung Quốc rất lớn nhưng hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp nội địa nước này thực sự có nhu cầu nhập khẩu tổ yến thô, dẫn đến nguồn tiêu thụ còn hạn chế.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những lợi thế đáng kể. Với gần 30.000 nhà yến trải dài tại 4 vùng kinh tế trọng điểm, cùng hương vị đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng, yến sào Việt hoàn toàn có tiềm năng vươn lên. Việc nghề nuôi yến được đưa vào Luật Chăn nuôi từ năm 2018 cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành yến phát triển bền vững.
Nghị định thư mới với những yêu cầu cao hơn là thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội lớn để ngành yến Việt Nam bước ra thế giới, hướng tới mục tiêu trở thành ngành hàng tỷ đô trong tương lai gần.
![]() |
![]() |