Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định tại Luật 71/2014/QH13 nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế VAT, dịch vụ mua vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Thay vào đó, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.
Nhiều bất cập khi ngành sản xuất phân bón chịu mức thuế VAT hiện hành
Luật thuế 72/2014/QH13 tạo nên những “tác động ngược” cho ngành phân bón
Từ năm 2015, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT dẫn đến toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ. Việc này dẫn đến doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 % - 8, dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Việc từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế VAT suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế nghe qua tưởng sẽ có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón và nông dân. Nhưng thực chất điều này không đúng như vậy.
Trước đây, sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%. Tuy nhiên, thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức này cao hơn thuế đầu ra. Nhưng việc áp dụng quy định mới thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào mà phải hạch toán vào chi phí.
Chính điều này đã làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5% - 8% dẫn đến giá phân bón đến tay người nông dân cũng bị tăng theo. Cùng với đó là các chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40% - 50% tổng chi phí đầu tư.
Mặt khác, phân bón nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga và Trung Đông thì phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và đặc biệt hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Do vậy sản xuất phân bón chịu thiệt thòi đủ đường.
Cần điều chỉnh thuế VAT cho ngành phân bón
Cần điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng để ngành phân bón Việt Nam không “đi thụt lùi”
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, việc áp dụng Luật thuế 71/2014/QH13 khiến cho mỗi doanh nghiệp mỗi năm thiệt hại cả trăng tỷ đồng. Để sản xuất 800.000 tấn phân bón mỗi năm, nhà máy phải nhập khẩu nguồn khí, đầu tư thiết bị tốn kém hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, phân bón không chịu thuế GTGT nên thuế của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ, khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Điều này không hề có lợi cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón lẫn người nông dân.
Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71/2014/QH13, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Nhưng từ khi có Luật số 71/2014/QH13, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.
Chính sách thuế bất cập như vậy dẫn tới việc không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu, ngành sản xuất phân bón Việt Nam càng ngày càng thụt lùi. Cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đầu vào là các loại phân bón có chất lượng thấp, chắc chắn nông sản đầu ra và môi trường sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.
Việc đưa mặt hàng phân bón thuộc diện chịu thuế VAT là phù hợp với pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế về bảo hộ mậu dịch, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và nông dân.
Lê Thoa (Theo HHTH)