Hành tăm hay còn gọi là củ nén, được trồng nhiều tại Nghệ An, Hà Tĩnh |
Hành tăm hay còn gọi là hành trắng, củ nén, tên khoa học là Allium schoenoprasum một loại thực vật thuộc họ hành. Được trồng ở nhiều nước châu Âu, châu Á, và Bắc Mỹ.
Hành tăm thường được dùng làm gia vị. Trong Đông Y còn có tác dụng như 1 vị thuốc. Hành tăm thu hoạch vào mùa hè thu, thường được dùng tươi cũng có khi ngâm rượu và sắc uống.
Hành tăm thường được dùng tươi |
Tạp chí Nông thôn Việt đưa tin, mới đây, trên một nhóm mạng xã hội, một số tài khoản đăng tải hình ảnh củ hành tăm đồng thời bày tỏ bất ngờ vì loại nông sản này có giá tăng cao đến bất ngờ.
Cụ thể, tài khoản có tên Nguyễn Hà chia sẻ hình ảnh những củ hành tăm tròn và trắng ngần kèm thông tin “Để ngắm thôi, chứ không dám ăn. Mới bữa nào rẻ bèo, nay đã lên 200 nghìn/kg rồi...”.
Khi đúng vụ chỉ có giá 40 nghìn – 50 nghìn/kg, nhưng thời điểm này tăng mạnh mỗi ngày một giá, thương lái về tận nơi thu gom khiến nhiều người dân bất ngờ” – tài khoản tên Hà chia sẻ.
Hành tăm bất ngờ tăng giá lên 200.000 đồng/kg |
Chị Trần Linh - một thương lái chuyên thu mua hành ở huyện Nghi Lộc cho biết: “Năm nay, giá hành tăm đầu vụ khá cao, dễ tiêu thụ, các đầu mối phía Bắc cũng đang tập trung thu mua loại nông sản này đặc biệt vào dịp cuối năm”.
Cũng theo thương lái này, không chỉ hành tăm, mà hành tím củ cũng tăng giá mạnh thời gian gần đây. Hiện hành tím củ tươi đang được thu mua tại ruộng với giá dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi những năm trước.
Theo Đông y, hành tăm vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm. Tác dụng ôn ấm tỳ vị, tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc. Trị cảm hàn, bí tiểu tiện, côn trùng cắn, ngộ độc chì. Dưới đây là một số bài thuốc có dùng hành tăm.
Trị cảm hàn: Giã 10 củ hành tăm, sắc uống, bã dùng đánh gió.
Cảm phong hàn, sốt không có mồ hôi, đau mình mẩy, nước tiểu trong, sợ gió: Hành tăm và lá tía tô mỗi thứ 20-30g, thái nhỏ. Gạo tẻ vo sạch nấu cháo cùng hành tăm, ăn khi còn nóng, sau đó đắp chăn nằm cho ra mồ hôi.
Trị cảm do thời tiết (nóng rét, đau đầu, ngạt mũi): Nấu cháo gạo tẻ, giã 20 củ hành tăm cho vào cháo, thêm 1 thìa giấm, ăn khi còn nóng.
Trị trướng bụng, bí tiểu tiện: Giã hành tăm sao nóng đắp vùng bụng dưới (vùng bàng quang). Trẻ nhỏ bí đái dùng củ hành tăm 4g giã giập chưng cách thủy với 1 chén con sữa mẹ, cho uống nóng (bỏ bã).
Ho gà: Củ hay lá hành tăm giã nhuyễn với đường phèn, hấp cơm hoặc chưng cách thủy, chắt nước uống.
Bị trúng gió cấm khẩu: Giã 10g hành ép lấy nước, dùng lông gà quét nước hành ngoáy vào cổ họng cho nôn hết nhớt ra.
Trị tiêu chảy: Vài củ hành tăm, 10g táo tây cho vào nồi sắc nước uống.
Trúng độc: Giã hành tăm, pha rượu uống.
Rắn cắn, ong đốt, rết cắn: Theo kinh nghiệm, khi bị trùng thú cắn thì nhai ngay 1 nắm hành tăm nuốt một nửa, nửa còn lại đắp lên chỗ bị cắn (kết hợp chữa theo Tây y).
Chấn thương máu tụ: Củ hành tăm nấu nước rửa vết thương, giã củ hành đắp.
Lòi dom (thoát giang): 10 tép hành tăm giã nhuyễn xào nóng để xông (sau khi đã rửa sạch hậu môn).
Cách bảo quản củ hành tăm
Hành tăm được sử dụng trong nhiều bài thuốc |
Khi mua hành tăm sử dụng trong ngày thì bạn nên bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh để hành ở túi kín sẽ khiến hành bị bí hơi, dễ làm hư hành. Đặc biệt, không để hành ở nơi có nhiệt độ quá thấp hoặc nhiệt độ quá cao.
Để sử dụng hành tăm trong khoảng thời gian dài thì nên rửa sạch hành và hong hành khô khoảng 1 tuần. Điều đặc biệt, chỉ nên để hành ở nơi thoáng mát có gió để hong hành.
Hoặc bạn có thể chia hành thành từng gói nhỏ hay dùng hộp nhựa có nắp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Hay bạn có thể dùng giấy báo bọc quanh hành rồi cũng cho vào ngăn mát sẽ bảo quản được lâu hơn.