Củ đậu là loài cây dây leo không quá xa lạ với người Việt bởi giá thành rẻ. Cây có hoa màu tím nhạt, có thể cao từ 4-5m, phần rễ phát triển to hình thành củ có vỏ màu vàng nhạt, mỏng còn ruột màu trắng kem.
Củ đậu có vị ngọt nhẹ, có thể ăn sống trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nón xào, nấu canh, món hầm, nộm hoặc súp...Trái ngược với phần củ thơm ngon bổ dưỡng thì phần lá và hạt của củ đậu rất độc và thường được tận dụng làm nguyên liệu điều chế thuốc diệt côn trùng, diệt rệp...nên người sử dụng cần rất cẩn thận. Khi mua cả chùm củ đậu về thì nên cắt bỏ phần lá đi ngay tránh để trẻ em không biết ăn phải gây ra ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.
Trong y học cổ truyền, củ đậu tính mát, vị ngọt giúp thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng. Củ đậu chứa nhiều chất xơ và lượng nước rất cao nên giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn và cung cấp nước cho cơ thể.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, thành phần của củ đậu bao gồm: Tinh bột: 2,4%; Glucoza: 4,51%; Nước: 86-90%; Protein: 1,46% và các chất dinh dưỡng khác: Sắt, canxi, photpho, vitamin C và đặc biệt là trong củ đậu không chứa chất béo. Với hàm lượng như vậy, củ đậu được khuyên dùng cho người tăng cholesterol trong máu, tốt cho người mắc bệnh tim mạch nếu ăn đúng cách.
Củ đậu rất tốt cho hệ miễn dịch bởi hàm lượng vitamin C cao. Ngoài ra trong củ đậu còn có thành phần chất chống oxy hóa và kháng viêm có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân hen suyễn và khó thở. Hơn nữa với hàm lượng photpho và kali có trong củ đậu sẽ giúp xương và răng của bạn phát triển bình thường và ngày càng khỏe mạnh hơn. Ăn củ đậu với lượng vừa phải cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa, bởi củ đậu có tính mát giúp giải nhiệt nhanh, có thể hỗ trợ giải độc rượu nhanh chóng, nhuận tràng do có rất nhiều chất xơ, giảm tăng tiết axit dạ dày
Bên cạnh đó, củ đậu có rất nhiều tác dụng trong làm đẹp như hỗ trợ giảm cân, làm mặt nạ, giúp chị em giảm các ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh. Đối với các thai phụ thì ăn củ đậu cũng có rất nhiều lợi ích như giảm thiểu tình trạng táo bón, hệ tiêu hóa ổn định hơn.
Củ đậu khá đặc biệt vì ngoài nấu chín thì chúng còn ăn được khi mới thu hoạch, và ăn sống thì nguồn dinh dưỡng cao hơn gấp nhiều lần so với nấu chín. Trường hợp không ăn trực tiếp, chúng ta có thể dùng củ đậu để nấu canh, làm nem giúp thanh mát, chống ngán. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyến cáo nên ăn củ đậu tươi, mới thu hoạch tốt hơn là đã qua chế biến dưới nhiệt độ cao.
Khi ăn củ đậu tươi cần loại bỏ những củ dập nát, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ sơ chế trước khi bỏ vỏ củ đậu. Bởi bản chất củ đậu phát triển dưới đất, nếu không cẩn thận dễ dính tạp chất, vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Nhiều người khi ăn củ đậu tươi thường có thói quen chấm muối hoặc muối ớt, điều này là không nên vì trong củ đậu đã có hàm lượng natri tự nhiên nhất định. Việc chấm muối khi ăn dễ khiến cơ thể thừa muối, gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, không nên tùy tiện sử dụng các bộ phận khác của cây củ đậu nhằm mục đích tăng cường sức khỏe nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia sức khỏe.
Dưới đây là một số bài thuốc tham khảo từ củ đậu
- Giải độc rượu: Cắt nhỏ củ đậu đem trộn với đường cát và ăn sẽ giúp giải rượu vô cùng hiệu quả.
- Giảm vết thâm, mờ tàn nhang, chống nẻ da, giúp da mặt mịn màng, căng bóng: Củ đậu tươi đem giã lấy nước, sau đó rửa sạch mặt, thoa hỗn hợp lên da, massage trong vòng 10 phút rồi rửa lại với nước lạnh giúp giảm thâm, tàn nhang rất tốt.
- Chữa ghẻ, da lở loét lâu ngày: Củ đậu giã nhỏ, nấu với dầu vừng, để nguội, bôi hàng ngày. Có thể phối hợp với quả bồ hòn, hạt máu chó với lượng tùy ý. Dùng lá củ đậu giã nát, xát vào chỗ ghẻ cũng có tác dụng chữa ghẻ hiệu quả.