Người dân Tức Tranh phân loại chè từ khi thu hái. |
Thu hơn nghìn tỷ ở nơi "tứ đại danh trà"
Ông Tô Văn Khiêm là một trong hàng trăm hộ dân ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vươn lên làm giàu từ cây chè. Ước tính, với hơn 4.000ha diện tích chè tại 4 xã của huyện Phú Lương cho sản lượng hơn 42 nghìn tấn mỗi năm, số tiền thu về từ vựa chè vùng tứ đại danh trà của tỉnh Thái Nguyên ước tính 1.200 tỷ đồng.
Nhận thấy điều kiện đất đai thuộc 4 xã của huyện Phú Lương gồm Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc giàu tiềm năng và đủ yếu tố tạo thành vùng sản xuất chè tập trung, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện dồn nhiều công sức vận động bà con tạo nên vùng chè rộng lớn. Trong vòng 4 năm, diện tích chè của 4 xã nêu trên được tăng cao chiếm 70% diện tích chè của toàn huyện.
Đặc biệt, tại xã Tức Tranh - nơi có vùng chè Khe Cốc được mệnh danh là tứ đại danh trà Thái Nguyên quy tụ nhiều nông dân lão luyện, giàu kinh nghiệm.
Một góc vùng chè Khe Cốc (xã Tức Tranh) thuộc "tứ đại danh trà" tỉnh Thái Nguyên. |
Theo ông Tô Văn Khiêm cho biết, ông đặt chân đến huyện Phú Lương từ những năm 1975. Khi đó, huyện Phú Lương vẫn là vùng rừng núi hiểm trở, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn. Tuy nhiên, từ thời điểm trên, bà con bản địa đã biết sống dựa vào việc làm chè.
Nhận vị trí Trưởng thôn Khe Cốc đến nay là năm thứ 8, ông Khiêm càng ý thức rõ việc cán bộ phải luôn là người đi tiên phong để vận động bà con chuyển đổi, tạo nên các vùng chè hữu cơ.
Từ năm 2016, ban đầu chỉ một vài hộ dân thôn Khe Cốc chuyển đổi từ vùng chè tiêu chuẩn VietGAP, ông Khiêm cùng với khoảng 100 hộ dân tạo thành một vùng chè hữu cơ trong vỏn vẹn 2 năm. Số diện tích chè hữu cơ tại Khe Cốc đến nay lên đến trên 40ha.
"Năm đầu dùng các loại phân bón hữu cơ đã làm cho sản lượng cây chè giảm đi đáng kể, khoảng 40%. Việc này khiến tôi và người dân trong làng khá lo lắng. Tuy nhiên, bài toán kinh tế đặt ra khi sản lượng tuy giảm nhưng giá trị sản phẩm lại tăng gấp nhiều lần. Chúng tôi còn lãi một vùng chè sạch nguyên bản khi không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật", ông Khiêm kể.
Từ việc gánh trên vai nhiều món nợ, trong vòng một thập kỉ lăn lộn với cây chè, ông Khiêm đã trả hết và xây dựng cơ nghiệp mà nhiều người mơ ước. Nhìn ngắm thành quả trong hiện tại, ông Khiêm biết ơn giống cây đã nuôi sống bao nếp nhà ở Phú Lương.
Ông Tô Văn Khiêm dành nhiều tâm huyết cho cây chè và thương hiệu chè Khe Cốc. |
Hiện nay, với mô hình hợp tác xã liên kết các hộ dân, ông Khiêm giữ vai trò quản lý HTX chè an toàn Khe cốc với 15 thành viên tham gia. Mỗi 1ha, cây chè mang đến thu nhập trung bình từ 250 - 300 triệu đồng cho các hộ dân.
Dù lớn lên từ vùng chè nức tiếng cả nước nhưng phải đến năm 2013, trong một chuyến du lịch tại Nhật Bản ông Khiêm mới thay đổi nhận thức và quyết tâm đổi đời từ chính cây chè.
"Ở Nhật Bản, tôi thấy có những sản phẩm chè bày bán với giá cả nghìn USD mỗi kg. Trong khi đó, cũng loại chè trên, ở Việt Nam có giá bán rất thấp", ông Khiêm nói về lý do khiến ông rẽ hướng từ một ông chủ nhà hàng sang làm nông dân trồng chè.
Tuyệt chiêu làm ra thứ chè thượng hạng giá vài chục triệu/kg
Không chỉ tạo ra các sản phẩm chè thông thường, nhiều người dân tại thôn Khe Cốc, xã Tức Tranh áp dụng việc bón trứng gà, mật ong cho các cây chè. Phương pháp này lúc đầu khiến nhiều người hồ nghi nhưng khi chứng kiến thành quả ai nấy đều trầm trồ về độ ngon, ngọt và hương vị của sản phẩm chè này.
Theo ông Khiêm, công thức làm trên khá đơn giản khi ông hòa một lít mật ong hòa với 10 quả trứng gà rồi pha loãng bằng nước rồi tưới xuống các gốc chè. Với công thức trên, ông Khiêm tưới cho diện tích cây chè rộng khoảng 360m2. Mỗi khi đến độ thu hoạch, số chè này được phân loại riêng để tạo nên các sản phẩm đặc biệt có chất chè ngon hơn, thơm và trong hơn. Giá bán mỗi hộp chè từ 23-25 triệu đồng/kg.
Hệ thống phun tự động để tưới mát cho từng búp chè được chính quyền hỗ trợ. |
Các gia đình mỗi tháng có thể thu về từ 3-5kg chè thượng hạng từ cách làm trên. Đây là khoản thu nhập khá lớn để giúp các hộ dân trang trải thêm các chi phí chăm sóc, thu hoạch chè.
Cùng với việc bón mật ong trứng gà, nhiều nông dân ở huyện Phú Lượng được Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc chế biến để giữ lại vị ngọt của chè. Theo đó, với quy trình chế biến chậm, kéo dài thời gian sẽ giúp quá trình chuyển đổi enzim trong búp chè được giữ lại các khoáng chất, đường. Dù mất thêm thời gian tuy nhiên khi thành phẩm sản phẩm chè có hương vị đặc trưng.
Để có được thành quả như hiện tại, theo ông Khiêm, sự đồng hành của tỉnh Thái Nguyên, của huyện Phú Lương đã chắp cánh cho những ước mơ đổi đời tại xã Tức Tranh. Việc tạo nên vùng chè tập trung tại huyện Phú Lương được thực hiện theo đề án của UBND tỉnh.
"Chính quyền đồng hành cùng chúng tôi về cây giống, phân bón và các khâu tiêu thụ. Mọi công đoạn làm chè đều có sự hỗ trợ của các cán bộ nông nghiệp địa phương", ông Khiêm vui vẻ cho hay.
Theo thống kê của UBND huyện Phú Lương, trong vòng 4 năm (từ 2016-2020), diện tích trồng mới và trồng lại chè của huyện đạt gần 800ha. Việc sản xuất chè đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chè an toàn, tại các xã vùng chè trọng điểm của huyện đến nay lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng trên chè đã giảm 70-80% so với năm 2015.
Mỗi hộp chè thượng hạng có giá 23-25 triệu đồng. |
Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu thuận lợi, bao quanh là đồi núi khe suối, cùng với việc nâng cao phát triển các sản phẩm chè, năm 2022, anh Tô Văn Khiêm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Khe Cốc còn mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, phòng thưởng trà, tạo cảnh quan để du khách check-in, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc chè và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Ông Tô Văn Khiêm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Khe Cốc chia sẻ: "Đi vào hoạt động từ cuối năm 2022 đến nay, chúng tôi đã đón được 4 đoàn khách quốc tế và 2 đoàn khách trong nước. Chúng tôi thấy rằng những khách du lịch mang những sản phẩm trà đi cũng là kênh giới thiệu sản phẩm tốt. Từ nay đến năm 2026 và dài hạn hơn, chúng tôi sẽ xây dựng xóm Khe Cốc trở thành miền quê đáng sống. Toàn bộ bà con Khe Cốc sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ làm du lịch cộng đồng".
Từ cây chè bản địa với những hương vị đặc trưng do thiện nhiên ban tặng, người nông dân ở xã Tức Tranh đã nâng tầm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Sản phẩm chè không đơn giản chỉ là nước uống, nó còn hội tụ những nét văn hóa của vùng đất thuộc "tứ đại danh trà" đang góp phần làm thay da đổi thịt vùng đồi núi này./.