Kỳ II: Nhân sự CBBank có vi phạm Luật phòng chống tham nhũng? Nhiều “lùm xùm” trong công tác nhân sự tại CBBank |
Dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng thực tế không ít trường hợp cán bộ ăn lương ngân sách coi chỗ làm chỉ là nơi "ghé chân" hoặc "giữ ghế" để thuận tiện cho việc làm ăn ngoài của mình. Chuyện ví von "chân ngoài dài hơn chân trong" không phải chỉ để nói cho vui mà là phản ánh một góc không nhỏ về thực trạng trên. Không ít trường hợp gắn mác làm cơ quan nhà nước nhưng đến cơ quan chỉ để điểm danh, còn thời gian dành cho việc làm ngoài hoặc tận dụng các mối quan hệ trong công vụ để thúc đẩy công việc của riêng mình. Nhiều người muốn kiếm tiền nhanh sẽ vi phạm luật, kéo theo việc sẽ gây khó khăn trong việc cải cách nền công vụ và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó có "tham nhũng thời gian công"… Xét ở góc độ đạo đức công vụ, chính việc không tận tâm với trách nhiệm công vụ ấy gây ra những hệ lụy không nhỏ. Từ thực tế cũng cho thấy, tình trạng cán bộ “nhấp nhổm”, “chân trong, chân ngoài” hoặc vào làm cơ quan nhà nước là để “dựa dẫm”, “ăn theo”... không hiếm gặp, đã khiến cho hiệu quả hoạt động của đơn vị đó hoàn toàn không tương xứng với mức chi trả từ ngân sách nhà nước. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã từng phân tích, có nhiều hình thức cán bộ, công chức dùng "quyền công" vào "việc tư". Nhẹ nhất là tình trạng vào Nhà nước cho ổn định, tạo mối quan hệ, tìm chỗ đứng để tạo "cái uy" mà làm ăn bên ngoài. Người ta gọi đó là "chân trong chân ngoài", khi đã ổn định rồi thì thậm chí "chân ngoài dài hơn chân trong". Những người này thường không toàn tâm, toàn ý, đầu tư thời gian, công sức cho công việc chuyên môn là lẽ tất nhiên. Nặng hơn nữa là tình trạng cán bộ "lạm quyền" như vừa qua không ít cán bộ đã bị xử lý kỷ luật chính bởi sự "sa vào chủ nghĩa cá nhân" ấy. |
Ở các bài viết “Nhiều lùm xùm trong công tác nhân sự tại CBBank” và “Lùm xùm” công tác nhân sự tại CBBank: Kỳ II: Nhân sự CBBank có vi phạm Luật phòng chống tham nhũng? Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã phản ánh về công tác nhân sự và những nội dung liên quan đến các vấn đề như: Xây dựng cơ bản và các khoản về lễ tân, khánh tiết tại CBBank có dấu hiệu vi phạm về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về nội dung nhân sự của CBBank ăn lương nhà nước, hưởng các chế độ của doanh nghiệp nhà nước nhưng lại đảm nhận các vị trí quản lý, lãnh đạo công ty tư nhân. Theo tài liệu tòa soạn có được ví dụ như trường hợp của ông Ngô Thanh Phong – nguyên Chánh Văn phòng CBBank.
Cụ thể, trong thời gian từ 2017-2020, ông Ngô Thanh Phong đang đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng CBBank, nhưng cũng thời gian này ông Ngô Thanh Phong lại giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của INVESTCO 1 (từ tháng 3/2019 –7/2020).
Cũng theo tài liệu của Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm, ngoài trường hợp của ông Ngô Thanh Phong hiện còn một số nhân sự vẫn đang đương chức tại CBBank, hưởng lương và mọi quyền lợi của CBBank nhưng lại đảm nhận các vị trí rất quan trọng thuộc Ban Giám đốc, Giám đốc Dự án tại INVESTCO 1.
Dù là nhân sự nhận lương và làm việc tại CBBank, nhưng đồng thời bà Hoàng Phương Nga và ông Trịnh Minh Tuấn cũng là lãnh đạo của INVESTCO 1 |
Như trường hợp của bà Hoàng Phương Nga, được biết hiện bà Nga đang là chuyên viên cao cấp phòng Quản lý nhân sự và Đào tạo tại CBBank. Nhưng đồng thời bà Nga cũng đang giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc của INVESTCO 1. Bà Nga được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc của INVESTCO 1 từ ngày 29/6/2020 thay vị trí của ông Ngô Thanh Phong.
Hay như trường hợp của ông Trịnh Minh Tuấn, được biết hiện ông Trịnh Minh Tuấn đang là chuyên viên cao cấp Phòng Chính sách rủi ro của CBBank nhưng đồng thời ông Trịnh Minh Tuấn cũng đang giữ chức vụ Giám đốc Dự án Gia Lâm Central Metropolitan do INVESTCO 1 làm chủ đầu tư.
"Bàn tay" chỉ đạo công việc của IVESTCO 1 từ lãnh đạo CBBank?
Về các nội dung liên quan trong công tác quản lý nhân sự tại CBBank, Phóng viên Thương hiệu và sản phẩm đã liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐTV CBBank, ông Tuân cho rằng, nếu luật không cấm thì không có vấn đề gì?.
Vậy, luật có cho phép, nhân sự đang công tác tại một ngân hàng thương mại thuộc ngân hàng Nhà nước quản lý được đảm nhiệm thêm một vị trí cao cấp tại một doanh nghiệp khác?. Câu hỏi đặt ra, vậy các ông bà như bà Hoàng Phương Nga hay ông Trịnh Minh Tuấn và trước đó là ông Ngô Thanh Phong có bớt xén thời gian làm việc ở CBBank để làm việc tại INVESTCO 1?.
Đáng nói, theo tài liệu mà Thương hiệu và Sản phẩm có được, nhiều công việc điều hành, quyết định về tiền nong tại INVESCO 1 dường như có "bàn tay" chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐTV và ông Hoàng Nhật Huy - Phó Tổng giám đốc CBBank.
Cụ thể, tại một thư điện tử, được cho là gửi trao đổi công việc giữa một nhóm cán bộ thuộc INVESTCO 1 gửi đi từ địa chỉ email [email protected] vào lúc 17h06p ngày 13/11/2019 có liên quan đến nội dung công việc của INVESTCO. Ngay sau đó, người có địa chỉ email [email protected] có tên và ảnh đại diện là ông Hoàng Nhật Huy (Phó Tổng Giám đốc CBBank, số điện thoại 0902xxxx68) đã mail chỉ đạo nội dung công việc. Ngoài ra tại một email của [email protected] có tên và ảnh đại diện là ông Hoàng Nhật Huy còn tự nhận mình là đại cổ đông.
Hay như, tại một email có tên và ảnh đại diện ông Hoàng Nhật Huy gửi đến Tuan V. Nguyen với địa chỉ email [email protected] vào ngày 27/9/2018 với nội dung: “Báo cáo anh, hiện hồ sơ diện tích vp Investco 1 đã được Tcty chuyển tới Văn phòng QL đất đai HN... Kính”.
Ngay sau đó, vào 10h17 phút cùng ngày, người có tên Tuan V. Nguyen với địa chỉ email [email protected] trả lời với nội dung: “Ngay đi”. Đồng thời, email có tên và ảnh đại diện ông Hoàng Nhật Huy cũng email trả lời: “Vâng ạ”.
Như vậy, ông Tuan V. Nguyen với địa chỉ email [email protected] phải có địa vị và vị trí cao hơn email có tên và ảnh đại diện ông Hoàng Nhật Huy mới khiến ông này có thái độ cung kính, báo cáo công việc. Trùng hợp là Chủ tịch HĐQT CBBank hiện tại là Nguyễn Văn Tuân.
Ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐTV và ông Đàm Minh Đức - Tổng Giám đốc CBBank |
Cũng đồng thời, dư luận đặt vấn đề nếu đúng các địa chỉ email này là của ông Hoàng Nhật Huy và ông Nguyễn Văn Tuân, vậy ông Tuân và ông Huy có vai trò gì tại INVESTCO 1 khi tham gia điều hành, chỉ đạo các công việc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty này?. Và, INVESTCO 1 có phải là sân sau của một nhóm lãnh đạo cấp cao của CBBank?.
Những tồn tại về công tác nhân sự tại CBBank như TH&SP đã phản ánh ở trên, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của người quản lý mà cụ thể là ông Đàm Minh Đức - Tổng Giám đốc CBBank đang ở đâu? Ngân hàng nhà nước; Thanh tra ngân hàng nhà nước có biết về những tồn tại liên quan đến công tác nhân sự cũng như các vấn đề liên quan đến Xây dựng cơ bản và các khoản về lễ tân, khánh tiết tại ngân hàng này?. Thương hiệu và Sản phẩm sẽ tiếp tục thông tin về những nội dung liên quan đến CBBank ở những bài viết tiếp theo./.
Năm 2020, báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh về việc chủ đầu tư INVESTCO 1 của Dự án Gia Lâm Central Metropolitan rao bán cả kênh bèo và trốn tránh trách nhiệm. Theo đó, dự án Gia Lâm Central Metropolitan có nguồn gốc đất là mương cấp nước Kiên Thành, thuộc địa phận thị trấn Trâu Quỳ. Đến tháng 11/2019, khu đất này thuộc về tay Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng 1 Hà Nội, người đại diện tham gia đấu giá là ông Ngô Thanh Phong. Tháng 4/2020 dự án được phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán và xây dựng bãi đỗ xe tại khu tái định cư Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Từ cuối năm 2019, trên các trang môi giới bất động sản đã xuất hiện hàng loạt tin rao bán dự án này, giá bán từ 65 - 75 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Tuy nhiên khu đất lúc đó vẫn nguyên hiện trạng mương Kiên Thành cũ, chỉ mới được quây tôn và chưa có bất cứ dấu hiệu xây dựng nào. Một môi giới tại dự án này cho biết các lô đất tại đây có giá từ 65 - 75 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Dự án được phê duyệt thiết kế các căn liền kề, kết cấu 5 tầng với diện tích từ 70 - 80m2, theo hình thức ký hợp đồng vay vốn. Theo đó, khách hàng muốn mua dự án sẽ phải đặt cọc số tiền 100 triệu đồng, ngay sau khi ký hợp đồng vay vốn sẽ nộp tiếp 20% giá trị hợp đồng và ký bản đăng ký nguyện vọng mua nhà phố shophouse tại Dự án ngay khi Chủ đầu tư hoàn thành các điều kiện và thủ tục mua bán. "Dự án gần như đã bán hết các lô đất mặt tiền đường lớn, chỉ còn khoảng 5 - 6 lô đẹp, nếu muốn mua phải quyết nhanh, vì dự án đang rất "hot"" - môi giới này cho biết. Tuy nhiên, khi được hỏi về pháp lý dự án, môi giới này không đưa được ra giấy chứng nhận quyền sở hữu đất hay quyết định giao đất. Trao đổi với báo chí, Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa – Công ty Luật TNHH LSX cho biết, bản chất của hợp đồng vay vốn mà phía môi giới đưa ra là khách hàng cho chủ đầu tư vay số tiền 6%. Hợp đồng vay vốn này đơn thuần là nghĩa vụ về tiền bạc khi đó chủ đầu tư được lợi khi huy động lãi suất rẻ hơn 1 nửa so với ngân hàng, trong khi đó khách hàng có một niềm tin là sẽ mua được bất động sản mong muốn dựa trên văn bản Đăng ký nguyện vọng, văn bản thỏa thuận… Rõ ràng đây là một trong những cách để lách luật bán dự án, khách hàng sẽ luôn là người thiệt vì những điều khoản được đưa ra mang hướng 1 chiều có lợi cho bên bán. Đặc biệt, quan hệ vay tiền sẽ tiếp tục kể cả khi bên B không muốn mua bất động sản đã đăng ký, thậm chí khách hàng sẽ bị phạt tiền nếu giải ngân số tiền cho vay chậm. “Hiện, không ít dự án chưa hoàn thiện pháp lý, chưa đủ điều kiện để bán, nhiều chủ đầu tư muốn huy động vốn từ người mua giá rẻ, dù ít dù nhiều thì thiệt hại sẽ do người mua gánh chịu khi ký những hợp đồng giả cách như vậy” – vị Luật gia khẳng định. |