Ngân hàng Xây dựng - CBBank (Chi nhánh Hà Nội) Ảnh: Thanh Niên |
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng Xây dựng - CBBank) là 1 trong 3 ngân hàng được mua 0 đồng và đều gắn liền với những đại án kinh tế, tham nhũng với khoản tiền thất thoát, thiệt hại lên đến nhiều ngàn tỉ đồng. Kết quả điều tra, xét xử của các cơ quan tố tụng cho biết, ngoài trách nhiệm của những người trực tiếp điều hành, chỉ đạo ngân hàng, còn có trách nhiệm của cán bộ NHNN, buộc phải xử lý hình sự.
Theo đó, CBBank tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), sau đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) sau đó thành CBBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam bị Ngân hàng Nhà nước thu mua lại bắt buộc toàn bộ số cổ phần với mức giá 0 đồng kể từ ngày 02/02/2015. Tại thời điểm cuối năm 2012 ngân hàng này đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, TrustBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, TrustBank đổi tên thành VNCB và được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của NHNN tại VNCB chủ yếu mang tính hình thức, thiếu trách nhiệm, đã tạo điều kiện cho Phạm Công Danh “rút ruột” của VNCB 19.000 tỉ đồng. Liên quan đến sai phạm của VNCB, các cơ quan tố tụng xác định Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại 18.000 tỉ đồng.
Phạm Công Danh “rút ruột” của VNCB 19.000 tỉ đồng. Ảnh: Ngọc Hoa |
Kết quả kiểm toán 2 năm sau đó của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này rất cao. Cụ thể VNCB nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỉ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỉ đồng).
5 năm kể từ khi NHNN mua bắt buộc lại ngân hàng yếu kém này, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vào tháng 10/2017 và các năm 2018, 2019 đều cho thấy thực trạng tài chính của nhà băng này sau khi được mua lại 0 đồng vẫn chưa được cải thiện. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tiếp tục thua lỗ, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng cao với những nhóm nợ khổng lồ có nguy cơ mất vốn, ước tính số lỗ lũy kế của ngân hàng CBBank thời điểm 7/2020 có thể lên trên 34.000 tỷ đồng.
Ngoài hoạt động kinh doanh bết bát, thì công tác cán bộ của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam cũng nhiều lùm xùm không kém. Theo đó hiện nay ngân hàng này đang có nhiều phản ánh về vấn đề liên quan đến công tác nhân sự.
Cụ thể, phản ánh tới TC Thương hiệu và Sản phẩm, Giám đốc một Phòng giao dịch cho biết, hiện tại CBBank đang xảy ra tình trạng Phòng Quản lý bán hàng (QLBH) thuộc Khối Ngân hàng bán lẻ điều chuyển công việc đối với người lao động không theo quy chế và quy định mà CBBank đã đưa ra.
Theo nội dung đơn thư gửi Tòa soạn, Giám đốc Phòng giao dịch này cho biết: Ngày 29/4/2021 người phụ trách Phòng QLBH và Trưởng nhóm QLBH có thông báo cho tôi là tôi sẽ bị hạ chức không được làm quản lý tại Phòng giao dịch vì lý do năm 2019, 2020 và 4 tháng năm 2021 cá nhân tôi không hoàn thành KPIs. Khi đó tôi đã trình bày với người phụ trách phòng QLBH một số nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến kết quả kinh doanh của đơn vị không đạt, cũng như KPIs của cá nhân không đạt và có nêu, nếu chỉ căn cứ vào kết quả không hoàn thành KPIs của lãnh đạo đơn vị kinh doanh để hạ chức thì hiện nay cả Khối Ngân hàng bán lẻ có rất nhiều lãnh đạo đơn vị kinh doanh đang có KPIs 5 tháng đầu năm 2021 rất thấp, thậm chí còn thấp hơn tôi nhưng không bị xử lý.
Kết quả kinh doanh của người lao động nói chung và cá nhân tôi nói riêng tại Khối bán lẻ của Ngân hàng Xây dựng không đạt một phần do lỗi của Khối NHBL vì khi xây dựng kế hoạch không có căn cứ và sát với thực tế sức khỏe hoạt động của Ngân hàng, cụ thể: Kế hoạch năm nay bao giờ cũng cao hơn năm trước rất nhiều đặc biệt là chỉ tiêu cho vay, trong khi đó năm trước các ĐVKD gần như tỷ lệ hoàn thành rất thấp, chưa kể có đơn vị còn bị âm, nhận được kế hoạch giao ĐVKD đã biết ngay không có căn cứ, cơ sở pháp lý để hoàn thành (tới nay việc này được thể hiện qua báo cáo tổng hợp số liệu của Khối NHBL gửi các ĐVKD kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2021 của các đơn vị đạt được rất thấp và bị âm rất nhiều hầu như không hoàn thành kế hoạch được giao cả trong cho vay và huy động vốn).
Tại buổi làm việc tôi cũng đã đề đạt nguyện vọng được tiếp tục phụ trách và quản lý phòng giao dịch đến hết năm 2021 và cam kết hoàn thành chỉ tiêu KPIs được giao nếu không hoàn thành tôi xin chịu sự điều động của Khối. Tuy nhiên, người phụ trách phòng QLBH không đồng ý và cho biết sẽ căn cứ đề nghị này của tôi phòng QLBH sẽ chuyển phòng QLNS&ĐT bố trí sắp xếp công việc cho tôi.
Sau 01 tháng làm việc, ngày 28/5 người phụ trách Phòng QLBH điện cho tôi đề nghị tôi lên ký biên bản làm việc ngày 29/4 thì trình cho tôi làm Trưởng nhóm Bán hàng, nhưng vì tình hình dịch và nguyện vọng tôi đã ghi rõ trong biên bản ngày 29/4 do đó tôi không lên ký. Tiếp đó, cán bộ phòng QLBH và Trưởng nhóm bán hàng liên tục gọi điện đề nghị tôi lên ký biên bản để trình cho tôi về phòng KHBL làm Chuyên viên quan hệ khách hàng và phải ký cam kết 3 kỳ liên tiếp hoàn thành KPIs nếu không hoàn thành sẽ bị cho thôi việc.
Trao đổi trực tiếp, Giám đốc Phòng giao dịch này đã xác nhận toàn bộ nội dung đơn phản ánh đến TC Thương hiệu và Sản phẩm. Đồng thời cho biết: “Tôi làm ở CBBank từ năm 2008, đến năm 2014 thì được bổ nhiệm làm Giám đốc Phòng giao dịch. Vào tháng 4/2021 khi được phòng QLBH thông báo (bằng miệng) là sẽ hạ chức tôi. Nhưng đến thời điểm ngày hôm nay (18/6/2021) tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ quyết định miễn nhiệm, hạ chức nào của cấp có thẩm quyền mang tính pháp lý và có giá trị thực hiện đối với cá nhân tôi. Thế nhưng trước đó ngày 15/6/2021 tôi lại nhận được thông báo từ phòng QLBH về việc sắp xếp vị trí và chức danh cán bộ đối với tôi (Thông báo số 150/2021/TB-QLBH ngày 14/6/2021 do ông Đinh Vĩnh Duy, Trưởng Phòng QLBH ký).
Theo Thông báo này, tôi bị điều chuyển từ Giám đốc Phòng giao dịch về làm Chuyên viên QLKH Phòng KHBL. Đáng nói Thông báo này có hiệu lực từ ngày 15/6/2021. Như vậy, với thông báo này tôi không có thời gian để bàn giao công việc, cũng như không có thời gian để kiến nghị”.
Bên cạch đó, Giám đốc Phòng giao dịch này cũng cho biết, sau khi nhận được thông báo của Phòng QLBH cá nhân ông cũng đã gửi thư qua email (gửi ngày 16/6) đến Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ; Ban Kiểm Soát Ngân hàng Xây Dựng và Ban Điều hành Ngân hàng Xây Dựng để báo cáo. Và nhận được câu trả lời “Khối sẽ yêu cầu các bên liên quan báo cáo giải trình và có phản hồi chính thức làm rõ các vấn đề anh đang chưa rõ và cũng sẽ có báo cáo giải trình cho BOM”.
Được biết, cũng liên quan đến công tác nhân sự tại CBBank không chỉ có trường hợp của Giám đốc Phòng giao dịch này, mà còn nhiều trường hợp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Liên quan đến vấn đề trên, nhằm rộng đường dư luận Phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với ông Đàm Minh Đức - Tổng Giám đốc CBBank, ông Đức cho biết: “Với thông tin này tôi chưa nắm bắt được”. Ông Đức cũng đề nghị Phóng viên chuyển nội dung, văn bản qua ngân hàng, ngân hàng sẽ xử lý và trả lời cụ thể. Hiện PV đã đặt lịch làm việc với CBBank, nội dung thế nào sẽ được Thương hiệu và Sản phẩm tiếp tục thông tin.