Dự kiến, ngày 8/6 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ phải sửa đổi một số điều Luật cho phù hợp.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ cần phải sửa đổi một số quy định trong Luật SHTT
Cụ thể, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực Việt Nam sẽ phải sửa đổi khá nhiều về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Xoay quanh vấn đề này ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Theo kết quả rà soát pháp luật, một số quy định hiện hành trong Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009 (gọi tắt là Luật SHTT) cần phải được tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay khi EVFTA có hiệu lực. Tuy vậy, theo kế hoạch, Luật này cũng sẽ cần phải được sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Do vậy, để bảo đảm việc sửa đổi luật được tổng thể, toàn diện và nhất quán, Chính phủ dự kiến sẽ kết hợp việc sửa đổi, bổ sung này với cả những nghĩa vụ theo EVFTA để trình Quốc hội xem xét vào năm 2021. Như vậy, trong thời gian chờ đợi Luật sửa đổi của Luật SHTT chính thức có hiệu lực, các nghĩa vụ theo cam kết trong EVFTA sẽ được áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cũng khẳng định: Quy định bù đắp cho chủ sở hữu sáng chế do chậm trễ trong thủ tục cấp phép đăng ký thuốc chưa có trong Luật hiện hành sẽ được bổ sung vào Luật SHTT và vấn đề này sẽ được xem xét thảo luận trong tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội trong năm 2021.
Do vậy, trong thời gian chờ sửa luật, quy định này sẽ được áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA.
Ngoài ra, ông Thái cũng cho biết, bên cạnh Luật SHTT, một số các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và các bộ, ngành cần phải có hiệu lực ngay vào thời điểm EVFTA có hiệu lực.
Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, mua sắm của Chính phủ, quy tắc xuất xứ… Do vậy, để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương chủ động rà soát để có thể tiến hành ngay việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ, bảo đảm các văn bản này được ban hành đúng thời điểm EVFTA có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ cũng sẽ xem xét việc ban hành theo thủ tục rút gọn đối với các văn bản này.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, trên 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Như vậy, cam kết về ưu đãi thuế quan của EVFTA sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa từ các nước không có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU khi cùng xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.
“Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của EVFTA. So với các FTA mà Việt Nam đang tham gia, như các FTA của ASEAN với các nước đối tác hay các FTA song phương, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo", ông Thái thông tin.
Được biết, hiện Cục Xuất nhập khẩu đã tập trung xây dựng và sẽ trình Bộ trưởng ban hành Thông tư quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA trong tháng 6/2020.
Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán hiệp định EVFTA. Tháng 6/2012, Việt Nam và EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA. Sau khi kết thúc 15 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên khởi động tiến trình rà soát pháp lý chuẩn bị ký kết.
Tới tháng 6/2018, EVFTA được tách thành hai hiệp định là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời kết thức quá trình rà soát pháp lý. Tháng 10/2018, Uỷ ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA.
Ngày 30/6/2019, hai hiệp định này chính thức được ký kết tại thủ đô Hà Nội. Cuối cùng và là bước quan trọng nhất, ngày 12/2/2020, Nghị viên châu Âu đã phê chuẩn hai hiệp định.
Minh Kiệt