Được mùa, không được giá
Năm 2023, nhiều vùng bưởi của Hà Nội được mùa nhưng tiêu thụ chậm. |
Theo Đỗ Hoàng Anh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Chương Mỹ là một trong những vùng trồng bưởi lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, với diện tích trồng bưởi là 910ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm đạt 181,9 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 14.000 tấn. Trong đó, diện tích bưởi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 136,6ha, chứng nhận hữu cơ là 5,5ha. Huyện đã xây dựng phát triển nhãn hiệu tập thể bưởi Chương Mỹ, bưởi Nam Phương Tiến.
Những năm gần đây, việc tiêu thụ bưởi gặp nhiều khó khăn chủ yếuphụ thuộc nhiều vào thương lái, người dân bán tự do tại các chợ dân sinh, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm được ký kết hợp đồng tiêu thụ rất thấp. Người dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, bưởi là cây cho thu hoạch dịp cuối năm, gần Tết Nguyên đán. Sau khi thu hoạch, việc bảo quản gặp khó khăn, chủ yếu theo cách thủ công truyền thống, chưa có kho lạnh hoặc biện pháp bảo quản phù hợp với thời tiết nồm ẩm mùa xuân dẫn đến tình trạng bưởi bị thối, hỏng... Do đó, huyện đề nghị các ngành chức năng thời gian tới hỗ trợ huyện trong việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội cho biết, diện tích bưởi của thành phố Hà Nội có khoảng 7.500ha, sản lượng đạt 100.000 tấn nhưng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm bưởi ký hợp đồng với doanh nghiệp còn thấp, mối liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ còn thiếu bền vững, còn hiện tượng “được mùa - mất giá”. Để phát triển cây ăn quả nói chung, cây bưởi nói riêng, cùng tháo gỡ khó khăn, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ bưởi.
Các địa phương cần quy hoạch sản phẩm cây ăn quả, cây bưởi theo hướng chuyên canh, tập trung, phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương tuyên truyền, giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản địa phương, cơ sở sản xuất tiêu biểu, uy tín, kết nối với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối tới đông đảo người tiêu dùng...
Ông Phan Văn Hào, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), với diện tích hơn 4 sào, gia đình tôi trồng 120 cây bưởi, thu hơn 10.000 quả mỗi năm. Để tạo ra sản phẩm bưởi tôm vàng chất lượng tốt, khác các loại bưởi trên thị trường, thời gian qua, nông dân xã Thượng Mỗ được cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức.
Hằng năm, huyện Đan Phượng hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng bưởi cải tạo vườn, mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại; mời chuyên gia tư vấn, tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cho các vườn bưởi. Các hộ gia đình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng bưởi tôm vàng Thượng Mỗ được khẳng định, thu hoạch vào dịp cận Tết và Tết Nguyên đán... Trong khi các vùng bưởi khác khó khăn về tiêu thụ thì bưởi tôm vàng Thượng Mỗ giá bán ổn định, dao động 30.000-50.000 đồng/quả. Thông thường, người tiêu dùng và thương lái đến tận vườn mua nên người dân địa phương không lo đầu ra cho sản phẩm bưởi tôm vàng
Cùng chung cảnh ngộ, tiêu thụ bưởi chậm, ông Đinh Văn Hồng, ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình ông có 100 gốc bưởi trồng theo quy trình VietGAP, song đến cuối tháng 12, gia đình tôi mới tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng bưởi giống Diễn với giá bán buôn 20.000 đồng/quả.
Gia đình anh Bùi Văn Lập ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) có 300 gốc bưởi trồng trên diện tích 7.200m2 theo quy trình VietGAP. "Hiện nay gia đình tôi mới tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng bưởi Diễn với giá bán buôn 20 nghìn đồng/quả, anh Bùi Văn Lập cho biết.
Bưởi là một trong 4 cây ăn quả chủ lực, chiếm diện tích lớn nhất thành phố Hà Nội. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, diện tích bưởi của thành phố là 7.500ha, năng suất bình quân đạt 2.185 tạ/ha, sản lượng 100.000 tấn, mang lại giá trị gần 2.000 tỷ đồng/năm. Về cơ cấu, nông dân Hà Nội trồng 12 giống bưởi; trong đó có bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi thồ, bưởi chua đầu tôm... Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau.
Linh hoạt tháo gỡ khó khăn
Bưởi Diễn được quảng bá, trưng bày tại Lễ hội nông sản TP. Hà Nội năm 2023. |
Ông Đinh Tố Hữu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trần Phú (huyện Chương Mỹ) cho biết, trước tình hình giá bưởi giảm, khoảng 10 hộ trồng bưởi trên địa bàn xã Trần Phú ghép chanh tứ quý, chanh đào vào bưởi để bán lá chanh cho các nhà máy sản xuất bánh, kẹo. Vào dịp trung thu, lá chanh bán tại vườn có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg; thời điểm khác trong năm bán giá 20.000 – 30.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, dưới tán bưởi, các hộ còn trồng rau ngót, rau má, chè xanh… nên vẫn bảo đảm thu nhập...
Trong khi giá bưởi thông thường xuống thấp thì tại một số nơi trồng bưởi theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ việc tiêu thụ vẫn tương đối ổn định. Bà Nguyễn Thị Phương, ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) có sản phẩm bưởi được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cho biết, gia đình bà có 5.000m2 đất trồng 230 gốc bưởi. Năm nay, bưởi sai quả, vỏ nhẵn bóng, căng tròn, đẹp mã. Việc tiêu thụ có chậm hơn các năm, song vẫn bán được giá và người trồng có lợi nhuận so với cây trồng khác.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiện nay, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm bưởi ký hợp đồng với doanh nghiệp còn thấp, mối liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ còn thiếu bền vững, còn hiện tượng “được mùa - mất giá”. Để phát triển cây ăn quả nói chung, cây bưởi nói riêng, cùng tháo gỡ khó khăn, ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ bưởi.
Về phía các địa phương, cần quy hoạch sản phẩm cây ăn quả, cây bưởi theo hướng chuyên canh, tập trung, phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương tuyên truyền, giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản địa phương, cơ sở sản xuất tiêu biểu, uy tín, kết nối với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối tới đông đảo người tiêu dùng.