Giá thịt lợn hôm nay 7/11/2022: Không có thay đổi tại WinMart Giá thịt lợn hôm nay 8/11/2022: Mỡ lợn thấp nhất ở mức 64.000 đồng/kg Giá thịt lợn “rẻ bèo” ở các chợ truyền thống ngay dịp cao điểm |
Giá lợn hơi tăng hay giảm đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ không có nguy cơ thiếu thịt lợn. Nguồn cung dồi dào nhờ 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn giữ đà tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng gần một nửa tổng sản lượng thịt cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, các nông hộ trên địa bàn cả nước đang duy trì tổng đàn lợn với số lượng trên 28 triệu con.
Bộ NN&PTNN cũng đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh tái đàn và sản xuất con giống, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Thời điểm hiện nay, giá lợn hơi đang giảm, giao dịch trên thị trường dưới 60.000 đồng/kg do nguồn cung dồi dào, sức mua chững.
Trước tình trạng giá lợn hơi trong nước xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí trong suốt 1 tháng qua, có thời điểm xuống còn 50.000 đồng/kg, nguồn cung trong nước đang dư thừa, doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành đề xuất Chính phủ nới lỏng những rào cản để được bán thịt lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Các chuyên gia cho rằng, giá lợn hơi tăng hay giảm đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường. Sức mua giảm, giá lợn hơi giảm theo tỷ lệ thuận. Đó là quy luật tất yếu của thị trường. Với tình hình giá lợn giảm, giá thức ăn nuôi vẫn neo cao, người chăn nuôi theo hình thức nông hộ khó tái đàn. Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão, giá thịt lợn hơi sẽ tăng trở lại nhưng mức tăng không cao đột biến.
Để ổn định nguồn cung thị trường trong bối cảnh giá lợn đang giảm, Bộ NN&PTNN đã yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường, khuyến cáo người dân chăm sóc và tái đàn phù hợp; tìm các biện pháp giảm chi phí đầu vào, bảo đảm người chăn nuôi có lãi.
Bên cạnh đó, NN&PTNN phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chủ động triển khai giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, bảo đảm quyền lợi người chăn nuôi.
Bộ cũng đề nghị các địa phương đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, nhập khẩu và cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn, gia cầm, gia súc phục vụ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi, sản phẩm cung ứng ra thị trường với mức giá hợp lý.
Trong tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt lợn và thịt gia cầm tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2021; Trong khi nhập khẩu thịt trâu và thịt bò tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 10/2022. Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu 11,87 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 26,02 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 22,4% về trị giá so với tháng 10/2021; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.192 USD/tấn, giảm 17,8% so với tháng 10/2021. Lũy kế 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 88,82 nghìn tấn, trị giá 189,02 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 30 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ: Brazil chiếm 37,3%; Nga chiếm 24,9%; Đức chiếm 12,8%; Canada chiếm 8%; Hà Lan chiếm 4,7% trong tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước. Trừ Brazil, lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.