Giá cà phê hôm nay tiếp tục tăng thêm 400 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (15/9) giá cà phê trong nước tiếp tục tăng thêm 400 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 66.500 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 66.900 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 65.900 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 66.400 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.600 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.500 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Cập nhật giá cà phê hôm nay. |
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2023 được ghi nhận tại mức 2.495 USD/tấn sau khi tăng 0,65% (tương đương 16 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2023 tại New York ở mức 154 US cent/pound sau khi tăng 0,35% (tương đương 2,05 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h15 (giờ Việt Nam).
Cập nhật giá cà phê Robusta trên sàn London. |
Cập nhật giá cà phê Arabica trên sàn New York. |
Về xuất khẩu, theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá nhờ giá bán tăng cao.
Như vậy, tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng đầu niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023) đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Với sản lượng trong niên vụ hiện tại được dự báo chỉ vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 10 - 15% so với niên vụ 2021-2022, nguồn cung cà phê dành cho xuất khẩu đến nay gần như đã cạn và dự kiến chỉ có thể cải thiện kể từ tháng 11 tới khi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới 2023-2024 được đưa vào thị trường.
Tuy nhiên, tồn kho ở mức thấp đã đẩy giá cà phê xuất khẩu trong tháng 8 vừa qua lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 30% (gần 700 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng gần 9% lên mức 2.463 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời tiết thuận lợi tại Brazil và lượng hàng vụ mới đã sẵn sàng bán ra thị trường đã tác động tiêu cực tới giá cà phê thế giới, bất chấp dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,3 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023-2024 và báo cáo tồn kho tại hai sàn giảm xuống mức thấp trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá khiến các quỹ và đầu cơ mạnh tay thanh lý chuyển vốn sang các thị trường phái sinh và thị trường chứng khoán Mỹ do mức lợi nhuận hấp dẫn hơn. Trong khi biến động tỷ giá cũng khiến người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra
Dù vậy, đà giảm được cho là chỉ diễn ra trong ngắn hạn do tồn kho cà phê robusta đang ở mức thấp sẽ tác động tích cực tới giá trên thị trường cà phê toàn cầu.
Trong những tháng đầu năm nay, cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu cũng có những chuyển biến tích cực với sự gia tăng mạnh mẽ của cà phê chế biến.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng gần 22% trong 7 tháng đầu năm nay lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, tăng so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, tỷ trọng của cà phê nhân (bao gồm robusta và arabica) giảm xuống còn 83,3% so với mức 85% của cùng kỳ. Chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu cà phê arabica giảm 34,6%, trong khi robusta tăng 3,9%.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030, chiến lược ngành cà phê là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, "cơn ác mộng" dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.
Giá tiêu hôm nay giữ vững đỉnh 72.500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (15/9) chưa có điều chỉnh mới so với hôm qua, đang dao động trong khoảng 70.500 - 73.500 đồng/kg tại thị trường nội địa.
Ghi nhận cho thấy, Gia Lai đang thu mua hồ tiêu với mức giá thấp nhất là 70.500 đồng/kg.
Nhỉnh hơn một chút là ba tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk và Đắk Nông với mức giá thu mua chung 71.500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ổn định tại mức 73.000 đồng/kg và 73.500 đồng/kg.
Cập nhật giá tiêu hôm nay. |
Hồ tiêu là cây gia vị có khối lượng thương mại lớn trên thị trường quốc tế, sản lượng toàn cầu hàng năm khoảng 600.000 tấn, khối lượng thương mại vượt 400.000 tấn, tương đương hơn 70% được xuất khẩu.
Nhu cầu hồ tiêu hàng năm của Trung Quốc vào khoảng 70.000 - 90.000 tấn, trong khi sản xuất trong nước chưa đến 40.000 tấn nên nhu cầu thị trường là rất lớn.
Do diện tích trồng hồ tiêu ở đảo Hải Nam hạn chế nên sản lượng rất khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và nhập khẩu vẫn là kênh quan trọng đối với Trung Quốc.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hồ tiêu của nước này trong 7 tháng đầu năm nay đạt 5.422 tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường cung cấp chính vẫn là Indonesia và Việt Nam.
Trong đó, nhập khẩu từ Indonesia đạt 2.647 tấn, giảm 5,6%; còn nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1.983 tấn, tăng 11%.
Tuy nhiên, trên thực tế thương mại hồ tiêu của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều bởi nước này chủ yếu nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam qua các cửa khẩu tiểu ngạch.
Theo số liệu của Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu 52.327 tấn hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023, tăng gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu của Trung Quốc phục hồi trở lại sau quãng thời gian đóng cửa vì đại dịch COVID-19.