Giá cà phê hôm nay giảm 4.500 đồng/kg trong tuần qua
![]() |
Giá cà phê hôm nay (14/1), ghi nhận tuần qua nhìn chung tăng. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 2.000 - 2.200 đồng/kg.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 70.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 70.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 70.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 70.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 70.600 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 70.500 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 70.500 đồng/kg.
Trong nước, giá cà phê robusta nhân xô đã tăng 70- 75% trong năm 2023, từ mức 40.000 đồng/kg thời điểm đầu năm lên 70.000 đồng/kg trong những ngày cuối năm.
Bước sang tháng 1/2024, giá cà phê tại các tỉnh sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên tiếp tục tăng và tiến sát cột mốc lịch sử mới là 71.000 đồng/kg vào ngày 11/1, vượt qua mức đỉnh cũ là 70.000 đồng/kg đạt được vào năm ngoái. Việc giá liên tục tăng cao ngay trong vụ thu hoạch báo hiệu một vụ mùa bội thu tiếp theo của ngành cà phê.
Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 12/1, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 2/2024 trên sàn giao dịch London cũng đã tăng 10,7% so với cách đây một tháng lên 2.938 USD/tấn. Thậm chí, có thời điểm giá chạm ngưỡng kỷ lục hơn 3.000 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn gần trên sàn giao dịch New York dao động ở mức 184 US cent/pound, không đổi so với một tháng trước.
Lo ngại nguồn cung robusta từ châu Á và tuyến vận tải biển Âu – Á qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn đã tiếp tục hỗ trợ đà tăng giá của thị trường.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ đã khiến một số hãng tàu phải điều chỉnh lại tuyến đường chở cà phê.
Do đó, đối với cà phê Đông Nam Á và Đông Phi trên đường đến châu Âu, những tác động không lường trước được bao gồm việc tăng chi phí vận chuyển do một số công ty vận tải đã đưa ra các khoản phụ phí để bù đắp cho thời gian vận chuyển kéo dài.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc người dân găm hàng ngay cả trong vụ thu hoạch càng góp phần khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá nội địa và các sàn tăng cao. Nhiều doanh nghiệp không mua được hàng phục vụ cho các hợp đồng giao sau.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022-2023.
“Năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý I/2024, giá cà phê robusta và arabica sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group nhận định với tình hình hiện tại, chỉ cần đến tháng 4 - 5/2024 là có thể tiêu thụ hết hàng. Trong năm 2023, tình hình khan hiếm hàng bắt đầu từ tháng 6, đẩy giá cà phê trong nước tăng cao.
"Châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê robusta. Vì vậy, nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2024, thậm chí cao nhất thế giới", ông Nam nói thêm.
Nhận định về nguồn cung thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê robusta toàn cầu sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 74,1 triệu bao so với 76,6 triệu bao của niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây.
Đây là thông tin không mấy tích cực đối với các nhà rang xay, đặc biệt là các nhà nhập khẩu tại châu Âu. Nguyên nhân là bởi cà phê rang xay, hòa tan (chủ yếu được làm từ cà phê robusta) đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng do kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng lên.
Đây cũng là lý do xuất khẩu cà phê chế biến (cà phê rang xay và cà phê hòa tan) của Việt Nam tăng rất mạnh trong năm 2023 vừa qua.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, tính hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam tăng tới 27,2% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức kỷ lục 776,5 triệu USD, chiếm 21,4% tỷ trọng. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê nhân robusta và arabica giảm lần lượt là 2,4% và 37,3%, xuống còn 2,7 tỷ USD và 145,4 triệu USD.
Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê đang được đẩy mạnh trong những năm qua.
Giá tiêu hôm nay tăng hơn 2.000 đồng/kg trong tuần qua
![]() |
Giá tiêu hôm nay (14/1), tuần này quay đầu đi xuống. So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm giảm 3.000 - 4.500 đồng/kg.
Theo khảo sát, mức giá thấp nhất hiện là 77.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai, tiếp đó là tỉnh Đồng Nai hiện có giá 77.500 đồng/kg. Có thể thấy, giá tiêu tại hai địa phương này cùng giảm 4.000 đồng/kg.
Sau khi giảm 4.500 đồng/kg, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang thu mua hồ tiêu với chung mức 78.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và tỉnh Bình Phước lần lượt giảm 3.000 đồng/kg và 4.000 đồng, xuống mức tương ứng là 79.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu; đặc biệt là việc tuân thủ quy định của Liên minh châu Âu (EU) về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng. Điều này đòi hỏi cả hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.
VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này. EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cuối năm 2023, giá hạt tiêu xuất khẩu tại các nước sản xuất trên thế giới biến động không đồng nhất, giảm tại Indonesia, ổn định tại Malaysia, nhưng tăng mạnh tại Brazil và Việt Nam.
Ghi nhận vào ngày 27/12/2023 tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 93 USD/tấn so với cuối tháng 11/2023, xuống còn 3.893 USD/tấn. Tại cảng Muntok của Indonesia, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 80 USD/tấn so với cuối tháng 11/2023, xuống còn 6.110 USD/tấn.
Song song đó, tại Malaysia, ngày 27/12/2023, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định so với cuối tháng 11/2023, lần lượt ở mức 4.900 USD/tấn và 7.300 USD/tấn.
Đồng thời, tại Brazil, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 270 USD/tấn so với cuối tháng 11/2023, lên mức 3.270 USD/tấn.
Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/12/2023, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng 300 USD/tấn so với cuối tháng 11/2023, lên mức 3.900 USD/tấn và 4.000 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 500 USD/tấn so với cuối tháng 11/2023, lên mức 5.700 USD/tấn.
Dự báo năm 2024, giá hạt tiêu thế giới nhìn chung sẽ cao hơn so với năm 2023. Mặc dù nền kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, nhưng sản lượng hạt tiêu của Việt Nam, Brazil, Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ giảm.
VPSA dự báo sản lượng hạt tiêu toàn cầu niên vụ 2023/2024 sẽ giảm do sản lượng từ các nước sản xuất hạt tiêu ước tính giảm. Theo đó, ước tính sản lượng hạt tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10-15% xuống còn 160.000-165.000 tấn; Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20-30% và Brazil giảm 15%.