![]() |
Anh Phạm Hữu Trình (chủ trại lợn ở Thanh Hóa) mệt mỏi, lo lắng khi phải trực chiến với đàn lợn trong tình trạng bị cắt điện kéo dài. |
Lịch cắt điện như ma trận chỉ còn cách vào trại cùng lợn
Tại Thái Bình là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi lợn ở miền Bắc những ngày này người chăn nuôi đứng ngồi không yên vì mỗi lo cứt điện. Sau nhiều đêm túc trực bên trại lợn, ông Nguyễn Văn Mừng (hộ nuôi lợn xã xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) mệt mỏi cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, ngày nào trên địa bàn xã Đông Đô cũng bị cắt điện. Điều đáng nói, theo ông Mừng, ngày đầu tiên bị cắt điện người dân không hề nhận được thông báo gì. Sau khi người dân phản ánh, thì mới có lịch thông báo cắt điện qua Zalo nhưng thời gian cắt điện cũng mỗi hôm một giờ khác nhau.
"Hôm cắt sáng, hôm cắt chiều, hôm thì cắt đêm. Có hôm cắt từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Hôm sau thì cắt điện từ 20 giờ tối đến hơn 23 giờ đêm. Điều này khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến đàn lợn hàng trăm con, khi chúng tôi thường xuyên phải túc trực bên cạnh, ban ngày thì không dám đi đâu, ban đêm ngủ không yên vì lo bị cắt điện!?", ông Mừng bức xúc.
Hiện nay, trang trại của ông Mừng nuôi hơn 400 con lợn thịt và 30 lợn nái. Để "đối phó" với tình trạng bị cắt điện, ông đã phải chạy máy phát, đầu tư thêm quạt gió để đàn lợn được "mát mẻ", có "không khí để thở".
"Tôi ngủ không dám ngủ, khi cắt điện thì phải vận hành máy phát. Trong thời gian chạy máy phát điện phải trông nom, nhỡ máy phát gặp trục trặc thì cả gia tài tiêu tan trong phút chốc!", ông Mừng nói.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Mừng (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình) mệt mỏi vì ngày đêm túc trực trong trại lợn phòng cắt điện. |
Theo ông Mừng, giá lợn hơi vẫn đang ở mức thấp, thức ăn chăn nuôi vẫn cao, người dân thua lỗ thì nay người chăn nuôi phải bỏ thêm chi phí mua máy phát điện, rồi tiền dầu để chạy máy... Chi phí bị đội lên rất nhiều.
Ông Mừng có 2 trang trại, một trang trại nuôi lợn thịt và một trang trại nuôi lợn nái nên phải chạy song song 2 máy phát điện. Chi phí chạy máy phát điện mỗi ngày mất 200.000 - 250.000 tiền dầu. "Nếu tình trạng cắt điện tiếp tục kéo dài thì người chăn nuôi lợn sẽ vô vàn khó khăn...", ông Mừng thở dài.
Cũng theo ông Mừng, do tình trạng cắt điện chưa biết khi nào dừng lại, những hộ chăn nuôi lợn ở Đông Đô đều nhớn nhác đi tìm mua máy phát điện, đầu tư thêm quạt thông gió, gia cố lại hệ thống làm mát. Hiện nếu mua một cái máy phát điện mới có giá lên tới 40 triệu đồng.
Mất điện người ốm cũng không lo bằng lợn ốm
Cũng cảnh lo lăng vì lo trại lợn bị cắt điện, những ngày này người chăn nuôi ở Thanh Hóa cũng đứng ngồi không yên. Đôi mắt thâm quầng, người ướt đẫm mồ hôi khi vừa cật lực quay cần khởi động đám máy phát điện cho hệ thống quạt làm mát, tưới chuồng trại cho đàn lợn 350 con, anh Phạm Hữu Trình (35 tuổi, thôn Tế Độ, xã Tế Nông, huyện Nông Cống) cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn thường xuyên xảy ra cắt điện luân phiên.
Ngày ít nhất cũng bị cắt điện 8 tiếng đồng hồ, không thì liền 12 tiếng, đỉnh điểm có hôm mất tới 18 tiếng, cuộc sống, công việc đảo lộn, cả nhà mệt bã, vắt kiệt sức trong nắng nóng. Thế nhưng người ốm cũng không lo bằng lợn ốm.
![]() |
Mỗi lần mất điện, anh Trình phải đầu tư tiền triệu để mua dầu cho máy phát điện cho trại lợn. |
Chỉ một tiếng đồng hồ không có điện là hàng trăm con lợn có thể chết sạch nên 4 thành viên trong gia đình anh Trình chia nhau túc trực bên chuồng trại, sẵn sàng chạy máy phát.
"Cả nhà không ai dám đi đâu, chỉ loanh quanh ở khu trang trại, mất điện là phải khởi động máy phát ngay. Thậm chí tôi còn không dám ngủ, phải thức đêm, thức hôm canh đổ nước, làm mát, tiếp dầu cho máy", anh Trình than.
10 năm chăn nuôi, theo anh Trình, năm nay khó khăn hơn cả. Giá lợn giống cao, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng, trong khi giá lợn bán ra chỉ ở mức trung bình, nay lại thêm mất điện, gia đình phải sử dụng máy phát để cứu đàn lợn.
Bình quân mỗi ngày mất điện, gia đình dùng hết khoảng 70 lít dầu cho một máy phát 25kw, tính ra tiền hết khoảng 1.000.000 đồng.
Tại gia đình ông Lê Đình Kháng (56 tuổi, ở thôn 2, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) vẫn còn duy trì đàn lợn 1.000 con. Thời điểm này công việc quan trọng nhất của ông là ôm chiếc máy phát điện chỉ cần mất điện là khởi động ngay để duy trì hệ thống làm mát.
Ông Kháng cho biết, gia đình ông nuôi lợn theo mô hình khép kín nên hễ mất điện là lập tức phải dùng máy phát. Để đảm bảo chuồng trại luôn ổn định ở nhiệt độ 28-30 độ C trở xuống thì phải dùng quạt, tạo gió lưu thông thoáng đãng…
![]() |
Gia đình ông Kháng sử dụng 4 máy phát điện cùng lúc để cứu đàn lợn mỗi khi mất điện. |
Không có điện, hệ thống làm mát, tưới, tắm, đàn vật nuôi không thể hoạt động, cũng không được cấp nước uống. Nghiêm trọng hơn, mất điện, quạt thông gió không hoạt động nếu không phát hiện, can thiệp kịp thời, đàn lợn sẽ chết ngạt nhanh chóng.
Không muốn công sức đầu tư "đổ sông, đổ bể", những ngày bị tiết giảm, cắt điện vừa qua, ông Kháng cùng 8 lao động khác luôn kè kè, túc trực bên 4 máy phát điện ngoài chuồng trại, sẵn sàng nổ máy ngay khi mất điện.
"Ở khu vực tôi bị cắt điện bình quân từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ/ngày, có ngày mất liền 12 tiếng. Những hôm như vậy gia đình tôi "đốt" hết 8 triệu đồng tiền dầu chạy 4 máy phát. 8 triệu đồng là tương đương tiền bán 1,5 con lợn rồi", ông Kháng rầu rĩ.
Những ngày nắng nóng vẫn kéo dài và hộ nuôi lợn lo mất điện vẫn chưa biết đến khi nào thì kết thúc. Với những người chăn nuôi lợn, giờ còn lợn là còn sinh kế. Nên dù nắng nóng vất vả mọi nguồn lực điều được ưu tiên cho đàn lợn. Với người chăn nuôi không chỉ lo thiên tai, dịch bệnh, lo giá cả bấp bênh mà giờ đây có thêm mối lo mất điện. Chỉ một cú sập cầu dao bất ngờ có khi biến công sức cả năm trời xuống sông xuống biển./.