Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) vừa có thông báo thay đổi nhân sự cấp cao.
Theo đó, Eximbank miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương theo đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và đã được HĐQT thông qua từ ngày 26/4.
Đồng thời, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) từ ngày 26/4.
Ông Nguyễn Cảnh Anh - tân Chủ tịch HĐQT Eximbank |
Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Anh giữ chức thành viên HĐQT Eximbank. Ông Cảnh Anh được bầu vào HĐQT Eximbank sau phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (18/9/2023).
Tân Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank sinh năm 1979, có trình độ Thạc sỹ Quản trị Tài Chính Quốc tế tại Pháp. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực như kiểm toán, kế toán, đầu tư, quản lý tài chính, ông Nguyễn Cảnh Anh từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp quy mô như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Vingroup, Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực.
Cũng trong thông báo thay đổi nhân sự, ông Nguyễn Hồ Nam - người vừa có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital đồng thời vừa được bầu vào HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cố vấn HĐQT Eximbank được bổ nhiệm Phó chủ tịch HĐQT.
Song song đó, bà Đỗ Hà Phương và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank.
Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) của Eximbank gồm 7 thành viên: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Cảnh Anh; 4 Phó Chủ tịch HĐQT (ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương và ông Trần Tấn Lộc); thành viên HĐQT là ông Phạm Quang Dũng và thành viên HĐQT độc lập là ông Trần Anh Thắng.
Nhìn lại cuộc chiến “vương quyền” tại Eximbank
Trong nhiều năm qua Eximbank luôn trong tình trạng biến động nhân sự cấp cao vì cuộc cạnh tranh ghế quyền lực ở thượng tầng. "Cuộc chiến" giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank thực tế đã diễn ra từ năm 2015, sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Lê Hùng Dũng quyết định rút lui.
Trong năm 2015, sau 2 lần tổ chức đại hội cổ đông không thành, phải đến giữa tháng 12/2015, ông Lê Minh Quốc sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, cuộc họp này cũng diễn ra không mấy suôn sẻ khi nội bộ cổ đông ngân hàng tố cáo có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu.
Tiếp đến giai đoạn từ năm 2016 - 2018, các kỳ họp đại hội cổ đông của Eximbank tiếp tục gây nhiều tranh cãi khi những ồn ào trong việc bầu nhân sự cấp cao tiếp diễn, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện, bộ máy lãnh đạo cắt giảm hàng loạt.
Đỉnh điểm vào đầu năm 2019, "sóng gió" lại bắt đầu nổi lên khi ngay sau cuộc họp ngày 22/3, HĐQT Eximbank bất ngờ đưa ra Nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3/2019 và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Ngân hàng Nam Á Bank) thay thế.
Cùng thời điểm đó, ông Lê Minh Quốc cũng có đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3/2019, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng Nghị quyết 112.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì đến ngày 14/5/2019, ông Lê Minh Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ngay sau đó, ngày 22/5/2019, HĐQT Eximbank có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc. Tại thời điểm này, Eximbank thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Biển chưa lặng được bao lâu thì ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank lại được chuyển sang cho ông Yasuhiro Saitoh.
Đến ngày 13/4/2021, "sóng gió" lại nổi trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 của EximBank khi HĐQT ngân hàng liên tục có những Nghị quyết xoay vòng khó hiểu khi trong một giờ với 3 lần đổi "ghế nóng", từ ông Saitoh sang ông Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh.
Và phải đến ngày 15/2/2022, Eximbank mới tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai, bầu ra thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025. Kết quả, bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) với 7/7 phiếu bầu.
Tưởng chừng như “sóng gió” đã lặng khi bà Lương Cẩm Tú lên nắm quyền, nhưng không chiếc “ghế nóng” tại Eximbank lại “rung” khi ngày 21/6/2023, HĐQT của Eximbank đã triệu tập cuộc họp bất thường của HĐQT nhằm bãi miễn Chủ tịch HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú và Tổng giám đốc hiện hành của Eximbank, bầu chủ tịch mới, bổ nhiệm quyền tổng giám đốc mới.
Sau cuộc họp bất thường, chủ nhân của chiếc “ghế nóng” tại Eximbank do bà Đỗ Hà Phương nắm giữ, bắt đầu từ ngày 28/6/2023.
Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày (tức ngày 30/6), đại diện một nhóm cổ đông gửi tới HĐQT Eximbank văn bản đề nghị rút đề cử, miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương, tân Chủ tịch Eximbank.
Văn bản đề nghị rút đề cử, miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương Eximbank đứng tên ông Trần Hoàng Ninh (Hà Nội). Ông Ninh là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 10% số cổ phần của Eximbank đã đề cử bà Đỗ Hà Phương vào vị trí thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Tại văn bản này, ông Ninh cho rằng bà Phương không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như ý chí phát triển ngân hàng một cách minh bạch và ổn định của các cổ đông.
Cũng trong ngày 30/6, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước có đề nghị Trưởng ban kiểm soát Eximbank làm rõ và báo cáo các nội dung liên quan đến việc triệu tập họp HĐQT vào ngày 1/6 và các thủ tục thay đổi nhân sự theo thông báo ngày 28/6.
Đến tối 30/6, Eximbank phát đi thông báo nói rằng, tính đến đầu giờ chiều cùng ngày, ngân hàng chưa nhận được đơn của ông Trần Hoàng Ninh về việc chấm dứt các ủy quyền, đề cử và đề nghị rút bà Đỗ Hà Phương ra khỏi HĐQT Eximbank.
Bên cạnh đó, nhà băng này đã rà soát thông tin danh sách đề cử bà Đỗ Hà Phương vào HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025 không có tên ông Trần Hoàng Ninh; đồng thời khẳng định trình tự thủ tục tổ chức họp HĐQT liên quan đến việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 đã tuân thủ quy định pháp luật, điều lệ của Eximbank và các quy định nội bộ khác.
Sau loạt sóng gió, bà Đỗ Hà Phương vẫn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Eximbank cho tới ngày ông Nguyễn Cảnh Anh (26/4/2024) được bổ nhiệm.
Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện năm nay. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%. Năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp riêng lẻ đạt 2.146 tỷ đồng, lợi nhuận để lại từ các năm trước là 125 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ (bao gồm cả quỹ khen thưởng 150 tỷ đồng), lợi nhuận để lại lũy kế của ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là gần 1.800 tỷ đồng. HĐQT Eximbank trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 10%, gồm 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu. Cụ thể, với phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà Ngân hàng dự kiến bỏ ra là 522 tỷ đồng. Còn với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024. |