EU bổ sung mặt hàng mì ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật |
EU kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều loại rau
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, ngày 17 tháng 12, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2021/2246, ban hành ngày 15/12/2021, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm, quả và thực phẩm như sau:
- Rau mùi: 50%
- Húng quế: 50%
- Bạc Hà: 50%
- Rau mùi tây: 50%
- Đậu bắp: 50%
- Hạt tiêu: 50%
- Thanh long: 20%.
- Mì ăn liền : 20%
Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.
Như vậy, dự kiến kể từ ngày 6 tháng 1 năm 2022, mì ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (tổng cộng của cả Ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là Ethylene oxide). Do mì ăn liền là sản phẩm tổng hợp, trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật, thì cần thêm chứng thư từ Cục Thú Y. Nếu thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để lấy chứng thư.
Thông tin liên quan kiểm soát dư lượng Etylen oxide trong thực phẩm khi xuất khẩu, theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong thời gian qua đã có sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng Ethylene oxide (EO) khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU).
Cụ thể, như các sản phẩm mì Hảo Hảo, miến ăn liền Good, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Acecook Việt Nam; hay mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương. Đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như: mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt...
Mì Hảo Hảo, miến ăn liền Good và một số sản phẩm khác của Acecook Việt Nam bị thu hồi tại thị trường EU do còn tồn dư Ethylene oxide |
Cũng theo Vụ Khoa học và Công nghệ, tới thời điểm này, dữ liệu của RASFF cho thấy, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến Etylen oxide. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Các sản phẩm có chứa Etylen oxide bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao; trong đó, đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.
Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng.
Kết hợp với bài học về hai nguyên liệu, phụ gia đa dụng bị phát hiện vi phạm dư lượng nhiều tại EU hiện nay là vừng và phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum), có thể thấy việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Về mặt hàng rau quả, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, EU là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
Chính vì vậy, để khắc phục việc còn tồn dư Ethylene oxide trong thực phẩm, Việt Nam cần đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bài bản, đồng bộ từ khâu đầu tới khâu cuối. Đặc biệt, là các cấu phần thuê mua gia công sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro. Đồng thời, làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì.
EU tăng tần suất kiểm tra thực tế một số mặt hàng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam, với rau mùi là 50%. |
Muốn đảm bảo sự phát triển bền vững ngành rau quả, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, mấu chốt là phải chủ động kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.
Hiện sản xuất rau quả của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất, song công tác xử lý sau thu hoạch chưa thật tốt. Vì vậy, khi đầu tư sản xuất theo chuỗi, việc tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khâu xử lý sau thu hoạch là điều rất quan trọng để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu.
Ethylene oxide được EU xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Ethylene oxide là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
Mặc dù Ethylene oxide không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô, nhất là cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn salmonella.
Hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng nêu rõ khí Ethylene oxide có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng như sau: hạt có vỏ 560 (640)g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; chà là và nho khô 640g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; sữa bột 720g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi đã xay 800g/m³ trong ít nhất 6 giờ ở 25°C.
Ở điều kiện bình thường, Ethylene oxide sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.
Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.
Tuy EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối này.
Hiện nay, các nhà chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.
Thế nhưng, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng ethylene oxide trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với cơ sở và ngưỡng giới hạn có sự chênh lệch lớn.
Đơn cử tại EU, từ năm 1991, EU đã cấm việc sử dụng các sản phẩm có thành phần ethylene oxide trong khử trùng thực phẩm hay khu vực lưu trữ thực phẩm, nhưng vẫn ghi nhận việc sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác có thể có dư lượng chất này.
Từ năm 2005, EU đưa ra định nghĩa tại Regulation (EC) 396/2005 về dư lượng chung cho hai thành phần: “Tổng của Ethylene oxide và 2-Cloroetanol được biểu thị dưới dạng Ethylene oxide."
Theo quy định năm 2015, các ngưỡng dư lượng Ethylene oxide cho phép trong thực phẩm của EU hiện nay là 0,1mg/kg đối với chè, ca cao, càphê hạt, gia vị, các loại củ; 0,05mg/kg với các loại hạt có dầu; 0,02mg/kg đối với trái cây, rau, cây đường, nấm và các loại khác; 0,02mg/kg đối với ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật; 0,05mg/kg đối với các sản phẩm trồng trọt.
Đối với Hoa Kỳ và Canada, hai quốc gia này cho phép sử dụng Ethylene oxide trong khử trùng thảo mộc và rau củ khô.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho biết khoảng hơn 30% sản phẩm gia vị và thảo mộc của nước này được khử trùng bằng Ethylene oxide.
Theo nghiên cứu của Canada trên rau củ khô và vừng hạt, sau khi xử lý sản phẩm với 300 mg/L khí EO trong 6 tiếng và nghỉ 24 tiếng, hàm lượng Ethylene oxide trong sản phẩm là từ không tìm thấy đến 0,255 mg/kg.
Ngoài ra, tại Australia và New Zealand, trước năm 2003, khu vực này cho phép sử dụng Ethylene oxide trong xử lý nông sản và quy định ngưỡng giới hạn dư lượng là 20 mg/kg.
Từ năm 2003, Ethylene oxide đã bị loại bỏ khỏi danh sách chất được sử dụng nhưng có ghi nhận nguy cơ Ethylene oxide tồn tại trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, Australia và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với Ethylene oxide.
Kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide để đảm bảo an toàn thực phẩm |
Chất Ethylene Oxide có thực sự nguy hiểm? |
Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị Công ty Thiên Hương báo cáo việc mỳ khô vị bò gà chứa chất cấm |